Kinh tế Lạng Sơn: Điểm sáng từ công nghiệp, xuất nhập khẩu
6 tháng đầu năm 2025, ngoài duy trì tăng trưởng công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn diễn ra sôi động, có thời điểm vượt mốc 1.900 xe/ngày.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2025, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương bảo đảm các cơ quan sau sắp xếp đi vào hoạt động ngay, không gián đoạn.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn
X
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng năm 2025 tỉnh Lạng Sơn đạt 8,75% theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 31/5/2025 của Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tăng cường các giải pháp thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,37% so với cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,74%, đóng góp 1,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,89%, đóng góp 2,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 7,45%, đóng góp 3,75 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,78%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt 27.116 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,10%, công nghiệp và xây dựng 27,80%, dịch vụ 47,74%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,36%.
Đáng chú ý, về sản xuất công nghiệp, Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng ước tính tăng tăng 5,72% so với cùng kỳ, phản ánh xu hướng phục hồi tương đối tích cực trong bối cảnh nhiều yếu tố đầu vào, thị trường và sản xuất dần ổn định trở lại. Cùng với nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận thêm đơn hàng, nhu cầu tiêu thụ tăng và một số dự án đầu tư, xây dựng được triển khai, góp phần thúc đẩy sản lượng sản xuất.
Trong đó, ngành khai khoáng tăng 16,18%, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung nhờ nhu cầu tiêu thụ than tăng cao từ Công ty Nhiệt điện Na Dương và nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình hạ tầng trên địa bàn.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,25%, do một số ngành có mức tăng mạnh, như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 33,34%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,01%…
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%, do nhu cầu tiêu dùng điện tăng trong mùa nắng nóng; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,12%, do duy trì ổn định phục vụ nhu cầu dân sinh.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn cơ bản ổn định và có mức tăng trưởng khá, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệu suất thông quan hàng hóa cao
Về thương mại và dịch vụ, theo Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu của các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tuc diễn ra ổn định tại 5 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu Chi Ma, cửa khẩu Na Hình, cửa khẩu Nà Nưa), hiệu suất thông quan cao tại các cửa khẩu đường bộ đạt trên 1.650 xe/ngày (ngày cao điểm nhất ghi nhận 1.930 xe/ngày).

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)
X
Trong đó, xuất khẩu trung bình khoảng 450-500 xe/ngày (khoảng 80% là hoa quả), nhập khẩu trung bình khoảng 1.100-1.150 xe/ngày.
Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đến hết ngày 14/5/2025 ước đạt 28.442 triệu USD, trong đó: Kim ngạch hàng hóa mở tờ khai đạt 1.793 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 382 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.411 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại, chương trình kích cầu du lịch; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập Tổ công tác triển khai cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng cũng như tăng giá đột biến. Cùng với đó, hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút khách du lịch và người dân đến thăm quan, mua sắm.
Đồng thời, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên địa bàn tỉnh. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa ổn định, thông suốt, an toàn. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện, nâng cao về chất lượng.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2025 đạt 21.450,7 tỷ đồng, tăng 16,07% (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học).
Ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2025 đạt 1.410,3 tỷ đồng, tăng 12,41% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 181,8 tỷ đồng, tăng 11,71%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 654,5 tỷ đồng, tăng 10,21%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 571,8 tỷ đồng, tăng 15,2%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 29,34% so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp năm 2025 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, nhất là các dự án, nhà đầu tư doanh nghiệp có tiềm năng chiến lược, các dự án lớn trọng điểm có sức lan tỏa, bứt phá.
Đồng thời, phát triển các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo hướng hình thành giá trị chuyên biệt cho từng cửa khẩu; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thông suốt.
Lạng Sơn cũng đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu, logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngày 30/6, tỉnh Lạng Sơn đã khởi công 2/3 dự án của đề án xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh: Dự án Đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa mốc 1088/2-1089 và Dự án Mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng khu vực mốc 1119-1120 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (từ 6 làn lên 14 làn). Đây là các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2025-2030.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Lạng Sơn ước tính tăng 8,37% so với cùng kỳ, xếp thứ 11/34 tỉnh thành.