GRDP 6 tháng cao hơn kịch bản đề ra, Hà Nội quyết tâm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2025, GRDP của TP Hà Nội ước tính tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,13%) và cao hơn kịch bản xây dựng đầu năm (7,59%). Đây là tiền đề quan trọng để TP hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 8% năm 2025 trong 6 tháng cuối năm.

Điểm sáng dịch vụ, du lịch, đầu tư

Khu vực dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với giá trị tăng thêm ước tính tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,57%; quý II tăng 8,28%), đóng góp 5,76 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng cao, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt 455,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2024. Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Những tháng đầu năm 2025, Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định Hà Nội đang bước vào thời điểm vàng để bứt tốc, cả về lượng khách và chất lượng trải nghiệm. Những sản phẩm du lịch mới không chỉ là điểm nhấn hấp dẫn du khách, mà còn là chìa khóa để nâng vị thế điểm đến Thủ đô trong chuỗi giá trị du lịch quốc gia và khu vực. Trong 6 tháng 2025, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3.694 nghìn lượt người, tăng 22,1%. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa đến Hà Nội đạt 1.058 nghìn lượt người, tăng 18,5%.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ảnh minh họa

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ảnh minh họa

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,83%, đóng góp 1,29 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Những tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình biến động chính trị trên thế giới, đặc biệt trong quý II việc điều chỉnh chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ra khó khăn nhất định đối với DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP tăng 5,9%.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025 phải đối mặt với những thách thức từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã tác động đến thị trường thế giới cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế và các yếu tố bất ổn khác. Nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn TP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 32,3 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,5%; nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 14,3%.

Trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025, đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 3,7 tỷ USD - con số cao nhất trong 5 năm qua - là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô. Trước đó, 5 tháng đầu năm, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước, với tổng vốn FDI hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư cả nước.

Trong đó, giá trị tăng vốn từ các dự án đang hoạt động chiếm tới hơn 65% tổng vốn. Đặc biệt, dự án mở rộng xây dựng Công viên Yên Sở với vốn bổ sung hơn 1 tỷ USD trở thành điểm nhấn đầu tư lớn nhất trong năm.

Tính đến hết tháng 6, Hà Nội đã cấp mới cho 192 dự án FDI, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nền kinh tế EU. Các lĩnh vực thu hút đầu tư nổi bật gồm: công nghệ cao, bất động sản, năng lượng sạch, y tế và giáo dục. Đây là dấu hiệu cho thấy dịch chuyển đầu tư đang đi vào chiều sâu, thay vì chỉ tập trung vào công nghiệp truyền thống như trước.

Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2025, Chi cục Thống kê TP. Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị trong TP cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, TP cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ, vận hành thông suốt, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2025. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị, bảo vệ môi trường.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác cần triển khai là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn..

Tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Hà Nội có dịch vụ chiếm tới 2/3 nền kinh tế, cho thấy Hà Nội đang trở thành một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch. Trong ngắn hạn trước mắt, từng sở ngành rà soát, đánh giá thực trạng phát triển các ngành dịch vụ thuộc phạm vi quản lý và thực hiện ngay các giải pháp cần thiết, tận dụng hết các cơ hội, tiềm năng sẵn có để ít nhất duy trì tăng trưởng cao như hiện nay (đối với dịch vụ đã có tăng trưởng cao và có vai trò lớn trong kinh tế Thủ đô, gồm thương mại, tài chính ngân hàng, vận tải, kho bãi...). Thúc đẩy tăng trưởng thêm ít nhất một điểm % đối với các dịch vụ có tăng trưởng mức trung bình như giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế đạt mức tăng trưởng lên mức khoảng 7-8% năm 2025 và cao hơn trong các năm sau.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, Hà Nội cần đánh giá lại thực trạng sản xuất các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu; tháo gỡ vướng mắc, rào cản và cung cấp các hỗ trợ cần thiết để khai thác tối đa năng lực sản xuất, để công nghiệp chế tác, chế tạo có được tăng trưởng cao nhất có thể (phải trên 8%). TP cần “khôi phục lại và đẩy mạnh công nghiệp hóa kinh tế thành phố bằng cách xây dựng thêm một số khu công nghiệp công nghệ cao; Hà Nội chỉ thu hút công nghiệp công nghệ cao và sản xuất xanh. Công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa và ngược lại”- TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cho rằng, tiềm năng thu hút FDI của Hà Nội rất lớn nhờ lợi thế về hạ tầng, nhân lực, cải cách thủ tục và sự năng động trong thu hút đầu tư, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Hà Nội nên có ban xúc tiến đặc biệt làm sao thu hút được FDI công nghệ cao, có chuyển giao công nghệ và xúc tiến du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu làm sao tập trung giải bài toán năng suất chất lượng cao cho Hà Nội.

Còn theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, dư địa tăng trưởng của Hà Nội là các DN đang đi vào lĩnh vực mới như kinh tế số. Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế số, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Nổi bật là thương mại điện tử, công nghệ tài chính fintech, tiền số, tạo hệ sinh thái cho các thành phần này đóng góp cho tăng trưởng. Về kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cao.

Các chuyên gia cũng nhận xét, Hà Nội đang rất quyết liệt đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm cố gắng đẩy nhanh càng sớm càng tốt đóng góp rất lớn cho GDP. Tháo gỡ ngay các vướng mắc pháp lý cho các dự án, giải phóng nguồn lực đang “đọng chết”, tạo sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.

Biến cơ hội thành hiện thực

Kết quả kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 8% năm 2025 trong 6 tháng cuối năm.

Khảo sát từ ngành thống kê TP, những tháng tiếp theo thị trường xuất khẩu được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng tăng lên, xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2025 là: 27,5% số DN lạc quan nhận định xu hướng sẽ tốt hơn so với quý II/2025; 55,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và có 17,4% số DN nhận định tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, khối DN FDI đánh giá lạc quan với 86,4% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2025 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý II/2025; tỷ lệ này ở khu vực DN nhà nước và DN ngoài nhà nước cũng tương đối cao, cho thấy kỳ vọng của các DN trong quý tới, lần lượt tương ứng là 85% và 81,5%.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Với vai trò đầu tàu kinh tế, TP định hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đồng thời, TP sẽ tăng cường kết nối giữa các DN tư nhân, DN nhà nước và FDI, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

TP Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút được các tập đoàn, DN lớn trên thế giới. TP đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư, luôn lắng nghe và cố gắng giải quyết những vướng mắc mà các nhà đầu tư, dự án gặp phải trong quá trình triển khai. Nhận diện những vướng mắc, khó khăn nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư với tinh thần đồng hành, chia sẻ. Rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng phù hợp nhu cầu thực tế…

Từ 1/1/2025, Luật Thủ đô sửa đổi chính thức có hiệu lực mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, TP khẩn trương hỗ trợ một số DN triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả để định hướng, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo trong các DN; phấn đấu tỷ lệ DN đổi mới sáng tạo đạt trên 50%.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, TP định hướng xây dựng và phát triển các DN tư nhân có quy mô khu vực và toàn cầu. Những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực dẫn dắt đổi mới, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động xây dựng tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. TP đặc biệt chú trọng tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, xử lý biến động giá vật liệu, đảm bảo nguồn cung và bố trí tái định cư kịp thời. Những giải pháp này đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các công trình, dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Với quyết tâm cao và những giải pháp đồng bộ, Hà Nội đang từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân đầu tư công hiệu quả. Các công trình, dự án trọng điểm không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng - xã hội, mà còn tạo xung lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống và sức cạnh tranh của Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu cùng Chính phủ đạt mức tăng trưởng 8% như kế hoạch đề ra. Đây không chỉ là thành tích kinh tế mà còn là minh chứng cho bản lĩnh, sự linh hoạt và quyết tâm chính trị cao của toàn bộ hệ thống chính quyền Thủ đô.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/grdp-6-thang-cao-hon-kich-ban-de-ra-ha-noi-quyet-tam-hoan-thanh-ke-hoach-tang-truong.760499.html