Kinh tế miền sông nước Cửu Long 'cất cánh' nhờ hạ tầng đồng bộ

Phóng viên báo Đại biểu Nhân dân đã về với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa xuân này. Chuyện về những chuyến phà trăm tuổi chỉ còn là dĩ vãng. Thay vào đó, những cây cầu hiện đại đã hiện hữu và nhiều dự án hạ tầng mới đang triển khai, hứa hẹn giúp kinh tế vùng ĐBSCL mạnh mẽ cất cánh.

Những cây cầu giúp dân giàu, địa phương mạnh

Trước thềm Hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ: “Không chỉ cá nhân tôi, mà ai ai cũng muốn ĐBSCL khoác lên mình diện mạo mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Và bây giờ chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện tạo nên những đột phá cho vùng”.

Quả vậy, cầu Mỹ Lợi, cầu Cần Thơ, cầu Cổ Chiên, Hàm Luông, Rạch Miễu… mang tầm vóc thế kỷ, vắt ngang những khúc sông nơi vùng đất chín rồng đã thay thế sứ mệnh lịch sử của những chuyến phà tồn tại trăm năm để miền Tây khởi sắc.

“Mấy chục năm lênh đênh trên sông Hậu, người dân chờ phà cực lắm, cả người, xe, hàng hóa chen chúc dưới cái nắng rát. Cực vậy mà được lên phà là vui. Giờ có cầu, bà con thấy mùa xuân này thật nhiều diễm phúc. Nhờ có cầu mà dân giàu, địa phương mạnh”, chị Năm Hồng, một giáo viên đã 20 năm nay đều đặn qua phà Mỹ Lợi gắn bó với nghề dạy học chia sẻ.

Cầu Rạch Miễu

Cầu Rạch Miễu

Với ông Bảy Thành, cán bộ ở huyện Châu Thành (Bến Tre) thì ký ức về những ngày đổ mồ hôi chen chúc nhau mua vé mỗi ngày sang sông đi làm, lên kịp chuyến phà thì mừng hết chỗ nói, còn mua vé xong mà phà tách bến thì tiếc ngẩn ngơ. “Giờ đã có cầu, thì cuộc sống của chúng tôi đổi thay lắm rồi”, ông Thành tâm sự.

Kinh tế sẽ “cất cánh” từ hạ tầng

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2022 tăng khoảng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc, chiếm 55,4% cả nước; 0,78 triệu tấn tôm, chiếm 83,5%; 1,47 triệu tấn cá tra, chiếm 98% và 4,3 triệu tấn trái cây, chiếm 60%.

Với hệ thống quốc lộ dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002, các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ quy mô 4 làn xe; quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ - Cà Mau; tuyến ven biển phía Đông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ từ TP. Hồ Chí Minh… đang dần hoàn thiện. Nhiều bến cảng, cầu được đầu tư xây mới đã giúp vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho hay, kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đã phục hồi và tăng trưởng tích cực, vượt xa chỉ tiêu đã đặt ra vào đầu năm, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, sản lượng lúa đạt gần 3,043 triệu tấn; tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản đạt 363,7 ngàn tấn. Nhờ có giao thông hạ tầng thuận tiện hơn, tỉnh đã đón 6,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch trong 10 tháng đầu năm 2022 (tăng 105% so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 857,6 triệu USD (tăng 11,56% so cùng kỳ).

Cầu Vàm Cống

Cầu Vàm Cống

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cũng cho hay, Cần Thơ đã trở thành địa phương có mức xuất khẩu lương thực hàng đầu trong khu vực ĐBSCL , tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 9 tháng năm 2022 tăng 17,57% so với cùng kỳ. Thành phố đã đón 4,3 triệu lượt khách, vượt 7% kế hoạch, tăng 111% so với cùng kỳ. Nhờ có sự chuyển biến cơ sở hạ tầng giao thông nên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, từng bước đưa Cần Thơ thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của vùng ĐBSCL.

Hiện tại, ngoài những cây cầu lớn đã thành hình và đưa vào sử dụng thì trong vòng 4 năm tới đây, 4 cầu gồm Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối hai bờ sông Hậu sẽ hoàn thành hứa hẹn thúc đẩy thế mạnh kinh tế vùng ĐBSCL.

Khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, dòng chảy nông sản từ ĐBSCL đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, công nghiệp năng lượng, du lịch trải nghiệm sẽ tăng trưởng với vùng ĐBSCL.

Giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến cho vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỷ đồng. Hiện nay ĐBSCL có đến 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu.Với số vốn được bố trí như trên, ĐBSCL sẽ có điều kiện để hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: Thông các tuyến cao tốc, nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng, sông, kênh để kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn.

Hoàng Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/kinh-te-mien-song-nuoc-cuu-long-cat-canh-nho-ha-tang-dong-bo--i314490/