Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày một lớn?

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 10/4, các nhà kinh tế học nhận thấy nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng khi nền kinh tế Mỹ phát triển liên tục kéo theo lạm phát.

Điều này có thể dẫn đến những phản ứng mạnh từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Người dân mua sắm hàng hóa tại Rosemead, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân mua sắm hàng hóa tại Rosemead, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một cuộc khảo sát do WSJ thực hiện trong tháng 4/2022 cho thấy các nhà kinh tế học nhận định xác suất trung bình nền kinh tế Mỹ bị suy thoái trong 12 tháng tới là 28%, tăng mạng so với tỷ lệ 13% hồi năm ngoái và 18% trong tháng Một vừa qua.

Xác suất suy thoái này vẫn thấp hơn một chút so với mức dự báo cao nhất khoảng 34,8% hồi tháng 9/2019. Vào thời điểm đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại do Fed tăng lãi suất vào năm trước cùng những tác động từ cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM US LLP, cho biết: “Nguy cơ suy thoái đang gia tăng, do hàng loạt cú sốc về nguồn cung đối với nền kinh tế sau khi Fed nâng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát”.

Tháng trước, Fed đã nâng lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm và cho biết có thể sẽ thực hiện thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ nay đến cuối năm - nhịp độ mạnh mẽ nhất trong hơn 15 năm qua. Khoảng 84% các nhà kinh tế học được khảo sát cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào đầu tháng Năm. Trong khi đó, hơn 57% các nhà kinh tế học dự báo có thể Fed sẽ tăng lãi suất thêm hơn 2 điểm phần trăm hoặc nhiều hơn nữa vào cuối năm 2022.

Theo dự báo của các nhà kinh tế, Fed sẽ đưa lãi suất trung bình quỹ liên bang lên khoảng 2,125% vào cuối năm 2022 và sau đó là 2,875% vào tháng 12/2023 - gần với dự đoán của chính Fed.

Các nhà kinh tế học cũng giảm mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm nay. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2022 (số liệu đã qua điều chỉnh lạm phát) dự kiến tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này giảm khoảng 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trung bình sáu tháng trước.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng dự kiến lạm phát sẽ vẫn ở mức cao – đạt tỷ lệ trung bình khoảng 7,5% vào tháng Sáu, sau đó giảm xuống mức 5,5% vào tháng 12 năm nay và 2,9% vào cuối năm 2023. Những ước tính trên đều cao hơn hẳn so với mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Lạm phát cao vẫn là rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ, làm xói mòn sức mạnh chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng và khiến Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế có nhận định khác nhau về nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát leo thang.

Khoảng 1/3 số người được hỏi cho rằng nguyên nhân là do giá hàng hóa, thực phẩm và khí đốt, trong khi có khoảng 15% xác định nguyên nhân là do cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Người dân lựa chọn hàng tại một siêu thị ở Yukon Delta, Alaska (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân lựa chọn hàng tại một siêu thị ở Yukon Delta, Alaska (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Philip Marey, chiến lược gia cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Rabobank cho biết: “Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tạo ra một "cú hích" nữa đối với lạm phát trong thời gian tới, nhưng vòng xoáy giá cả tiền lương sẽ là mối đe dọa lâu dài hơn đối với sự ổn định giá cả”.

Theo ông Marey, trong một vòng xoáy như vậy, người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn để đáp ứng với giá cả leo thang và mức lương cao hơn đó tiếp tục thúc đẩy các công ty tăng giá hàng hóa hơn nữa. Khi quá trình này diễn ra, Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất ở mức đủ để phá vỡ động lực lạm phát.

Trong khi nhận định về nguy cơ gia tăng của suy thoái, đa số các nhà kinh tế được tham khảo (khoảng 63%) vẫn cho rằng Fed có thể sẽ kiềm chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái - điều mà các nhà kinh tế gọi là “hạ cánh mềm”. Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế có vị thế tốt để chống chọi với sự thắt chặt do tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp kỷ lục, thu nhập tăng ổn định và mức nợ tiêu dùng tương đối thấp.

Ông Leo Feler, nhà kinh tế cấp cao tại Trường quản lý Anderson thuộc Đại học California, Los Angeles, cho biết: “Vẫn còn rất nhiều nhu cầu và động lực bị dồn nén trong nền kinh tế. Lãi suất cao hơn có thể cắt giảm tăng trưởng từ khoảng 4-5% xuống còn khoảng 2-3% trong năm nay. Do đó, chúng ta có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhưng suy thoái dường như khó xảy ra vào thời điểm này”./.

Khắc Hiếu (TTXVN tại New York )

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-my-dang-doi-mat-voi-nguy-co-suy-thoai-ngay-mot-lon/240005.html