Kinh tế Nga sau một năm chìm trong lệnh trừng phạt

Mặc dù đang rơi vào suy thoái, nhưng bất ổn kinh tế và chính trị tại Nga vẫn chưa xuất hiện hay gây ảnh hưởng nào đáng kể đến quốc gia này

Sau chiến sự với Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và công ty Nga, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, sự sụp đổ kinh tế mà một số người mong đợi đã không xảy ra.

 Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ (Nguồn: Aljazeera).

Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ (Nguồn: Aljazeera).

Thật vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm Nga bị suy yếu tiềm năng kinh tế. Các sự kiện năm 2022 đã xác nhận rằng nền kinh tế Nga tuy kém hiệu quả nhưng có khả năng phục hồi tốt và Điện Kremlin có thể giảm thiểu bất kỳ tác động nào mà suy thoái kinh tế có thể gây ra trên mặt trận chính trị.

Tác động của lệnh trừng phạt

Tính bền vững của nền kinh tế Nga được xác định bởi vị trí trong phân công lao động toàn cầu: Quốc gia này đứng ở đầu dây chuyền công nghệ với tư cách là nhà cung cấp tài nguyên tự nhiên.

Vào năm 2021, Nga cung cấp 17,5% lượng dầu bán ra trên thị trường thế giới, 47% palađi, 16,7% niken, 13% nhôm (không bao gồm Trung Quốc) và gần 1/4 lượng phân hóa học.

Việc không sử dụng nguyên liệu thô của Nga khiến giá mặt hàng này tăng vọt, điều này không có lợi cho các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt. Do đó, năm 2022, phương Tây đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với các lĩnh vực xuất khẩu của Nga, chẳng hạn như thép, than đá và gỗ chế biến, những lĩnh vực mà nền kinh tế toàn cầu có khả năng dự phòng. Tổng tỷ trọng của các nguyên liệu thô này trong xuất khẩu của Nga vào năm 2021 là 11,7%, vì vậy các hạn chế không có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga nói chung.

Tuy nhiên, chúng đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của một số khu vực nơi các ngành này chiếm ưu thế. Ví dụ, từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2022, các mỏ than ở Kemerovo, khu vực sản xuất than chính của Nga, chỉ bán được 50 - 60% lượng than khai thác. Tại Karelia và Arkhangelsk, nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất công nghiệp giảm lần lượt 15,5% và 19,8%. Tại Lipetsk, doanh thu của Novolipetsk Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất của Nga, giảm 15,4% do sản lượng tụt dốc.

Vào ngày 5 tháng 2, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Liên minh Châu Âu có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy lệnh cấm này đã tác động đến nền kinh tế Nga. Kể từ đầu năm 2023, sản lượng xăng và dầu diesel đã tăng 7% so với năm trước, một phần có thể do nhu cầu gia tăng từ quân đội Nga.

Sự sụt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã gây ảnh hưởng đáng kể hơn, với sản lượng giảm 18 - 20%, và có thể giảm thêm 7 - 8% vào năm 2023.

Kinh tế Nga suy thoái

Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là đáng kể nhưng không nghiêm trọng như một số người dự đoán. Năm 2022 ghi nhận mức giảm 2.1% - ít hơn nhiều so với dự đoán 5 - 6% được đưa ra vào mùa xuân.

Vào mùa xuân năm 2022, chỉ mất một tuần để lạm phát ở Nga tăng hơn 2% mỗi tuần và đồng đô la tăng giá 60% so với đồng rúp. Các cơ quan tài chính của Nga đã có thể giảm thiểu hậu quả ban đầu này bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các giao dịch vãng lai và vốn, đồng thời từ chối chuyển đổi đồng rúp, do đó củng cố tỷ giá hối đoái và kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, các hạn chế đối với thương mại hydrocarbon của Nga đã đè nặng áp lực lên cán cân thanh toán. Nửa cuối năm chứng kiến sự sụt giảm trong số dư tài khoản vãng lai cũng như sự xuống giá hơn 20% của đồng rúp.

Nặng nề hơn là việc các công ty nước ngoài tự nguyện rút khỏi Nga, dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy ô tô thuộc về các công ty quốc tế. Kết quả là, việc sản xuất ô tô mới ở Nga đã giảm gấp ba lần và doanh số bán hàng tụt dốc đến 59%. Ngành sản xuất ở các vùng Kaluga và Kaliningrad, nơi tập trung các nhà máy, đã giảm 20%.

Áp lực đối với ngân sách chính phủ Nga chắc chắn sẽ tăng lên trong những năm tới do nền kinh tế trì trệ sẽ không thể tạo ra đủ nguồn thu. Do đó, dự trữ tài khóa có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2025 - 2026, nhưng điều đó sẽ không dẫn đến khủng hoảng ngân sách. Tổng nợ công của Nga dưới 20% GDP, cho phép chính phủ vay từ thị trường trong nước.

Triển vọng dài hạn

Dường như một năm trừng phạt và suy thoái kinh tế vừa qua đang tiếp tục xu hướng trì trệ trong nền kinh tế Nga hơn là bắt đầu một giai đoạn mới.

Trong tương lai gần, Điện Kremlin sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân Nga khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trước mắt là những nỗ lực bù đắp doanh thu do giá dầu và khí lao dốc bằng cách đưa ra các thay đổi về thuế suất dầu. Tổng thống Putin cũng mong muốn các doanh nghiệp Nga đóng góp các khoản tự nguyện cho ngân sách để tăng nguồn thu.

Về lâu dài, nền kinh tế Nga vẫn khó có thể bị sụp đổ. Tuy nhiên, Nga sẽ dần tụt hậu so với nền kinh tế toàn cầu và sẽ không đạt được mức tăng trưởng hàng năm hơn 1,5 - 2%.

Mặt khác, các biện pháp trừng phạt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển công nghệ của nền kinh tế Nga. Điều này có nghĩa là đối với người Nga bình thường, chất lượng sản phẩm trên kệ hàng sẽ dần xuống cấp và các dịch vụ trước đây sẽ không còn nữa.

Anh Tuấn (Theo Aljazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-nga-sau-mot-nam-chim-trong-lenh-trung-phat-post237408.html