Kinh tế Nga vẫn kiên cường trước 'phong ba bão táp' trừng phạt, Bắc Kinh học được gì từ Moscow?

Kinh nghiệm của Nga có thể mang đến cho Trung Quốc lời nhắc nhở về việc đa dạng hóa thương mại, khiến nền kinh tế trong nước trở nên kiên cường hơn, chống lại các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.

Trung Quốc đang quan sát kỹ lưỡng những kinh nghiệm phục hồi kinh tế của Nga trước các lệnh trừng phạt. Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)

Trung Quốc đang quan sát kỹ lưỡng những kinh nghiệm phục hồi kinh tế của Nga trước các lệnh trừng phạt. Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)

Đều theo học chuyên ngành tiếng Nga, William Liu, một du học sinh Trung Quốc và các bạn cùng lớp đại học ở Nga đã có một năm 2023 đủ đầy và không quá lo lắng về tình hình kinh tế.

Từ máy móc, ô tô cho đến thiết bị y tế và đồ gia dụng, các sản phẩm của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường rộng lớn phía Bắc, lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây rút lui sau khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022.

"Hai năm trước, chúng tôi từng lo ngại nền kinh tế sẽ thiệt hại lớn, nhưng đến nay Nga đã vẫn đứng vững bất chấp các lệnh trừng phạt", Liu nói.

Vững vàng trước "bão giông"

Nga trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 2,1% vào năm 2022, nhưng đã dần được cải thiện đáng kể so với mức giảm từ 10 đến 15% được dự đoán khi bắt đầu cuộc xung đột.

Chính phủ cho biết, nền kinh tế đã tăng 5,5% trong quý III năm 2023 so với cùng kỳ năm trước và Moscow dự kiến đạt mức tăng trưởng cả năm là 3,5%.

Ủy ban châu Âu (EC) nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế Nga lên mức tăng 2% so với ước tính trước đó là giảm 0,9%. Khối này kỳ vọng, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm 2025.

Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 khách hàng mua than nhiều nhất của Nga tính đến tháng 11 kể từ khi EU áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2022.

Dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) là những khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga, trong khi EU tiếp tục dẫn đầu việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản.

Bất chấp triển vọng kinh tế đáng mong đợi, những "cơn gió ngược" từ phương Tây được dự báo tiếp tục thổi đến. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina cảnh báo rằng, Moscow phải chuẩn bị đón nhiều lệnh trừng phạt hơn từ phương Tây. Điện Kremlin sẽ đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài, lạm phát cao và lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp.

Chiến lược lưu thông kép

Dù xét về mô hình, hai nền kinh tế khá khác biệt, nhưng những thành tựu về kinh tế của Nga sau xung đột có thể là những gợi ý hữu ích cho Trung Quốc - quốc gia đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ trên lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Trung Quốc cũng đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa nỗ lực tự chủ và tăng cường hội nhập với thị trường toàn cầu.

Nhận định trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Phoenix Weekly của Trung Quốc vào đầu tháng 12/2023, Oleg Deripaska, người sáng lập công ty sản xuất nhôm Rusal cho rằng, kinh nghiệm của Nga có thể mang đến cho Trung Quốc "lời nhắc nhở" về việc đa dạng hóa thương mại, giúp kinh tế trong nước trở nên kiên cường hơn để bảo vệ các cơ hội thương mại, chống lại các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.

Theo William Liu, các nhà sản xuất Trung Quốc nên cố gắng mở rộng thị trường nội địa càng nhanh càng tốt, ngoài lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ cao cấp khác. “Kinh nghiệm mà Trung Quốc·có thể thu được từ Nga là cần phải giữ các công ty hàng đầu và các bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng trong trường hợp xấu nhất nếu có xảy ra xung đột”.

Nga vốn là quốc gia giàu tài nguyên về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, kim loại và gỗ, đồng thời là nhà cung cấp chính cây trồng và phân bón cho thế giới, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, từ thiết bị sản xuất đến hàng tiêu dùng.

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và năng lượng ở nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng do những phức tạp về tình hình địa chính trị, đặc biệt là từ chủ trương tách chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do phương Tây khởi xướng.

Bắc Kinh từ lâu đã đặt mục tiêu đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng và tài nguyên, đồng thời tăng cường khả năng tự lực bằng cách mở rộng thăm dò, khai thác kim loại quý, tài nguyên biển trong nước cũng như thông qua chuyển đổi năng lượng xanh.

Nước này tăng gấp đôi các nỗ lực an ninh trên hầu hết các mặt trận kinh tế, cảnh giác trước những rủi ro ngày càng tăng do bất ổn thị trường toàn cầu và các biến động địa chính trị, đặc biệt là các nỗ lực hạn chế và ngăn chặn ngày càng tăng do Mỹ khởi xướng.

Trung Quốc đang đặt mục tiêu mở rộng tiềm năng thị trường nội địa với quy mô rộng lớn và nội lực kiên cường, được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển với ít nhất 400 triệu người. Đây cũng được xem như một trụ cột chính cho chiến lược lưu thông kép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào phát triển theo định hướng xuất khẩu nhưng không từ bỏ hoàn toàn. Trung Quốc đặt mục tiêu hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, đặc biệt tập trung vào các quy định, tiêu chuẩn công nghiệp và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Anna Kireeva, Phó giáo sư nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Viện quan hệ quốc tế nhà nước Moscow, cho biết Nga đã cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và tìm kiếm các nguồn thay thế cho nhập khẩu cũng như xuất khẩu. Theo đó, sự đa dạng hóa như vậy có thể sẽ duy trì ít nhất là trong trung hạn và nhiều khả năng là trong dài hạn.

“Tuy nhiên, Nga vẫn phải đối mặt với những thách thức như xây dựng, nâng cấp năng lực sản xuất, công nghệ trong khuôn khổ chính sách thay thế nhập khẩu hay xây dựng cơ sở hạ tầng mới để mở rộng năng lực xuất khẩu nhằm tránh ùn tắc cơ sở hạ tầng ở khu vực Viễn Đông”, bà Anna Kireeva cho hay.

Kireeva cho biết, Trung Quốc cần tìm kiếm các công nghệ trong nước, giảm phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ từ phương Tây và mở rộng việc sử dụng đồng NDT trong mạng lưới thanh toán quốc tế.

Quan hệ thương mại tăng vọt

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong mối quan hệ "đối tác không giới hạn" đã tăng vọt kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.

Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đã đạt 218,2 tỷ USD tăng 26,7% so với năm trước, vượt mục tiêu 200 tỷ USD. Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Trung Quốc sang nước láng giềng phía Bắc cũng tăng 51%, trong khi xuất khẩu sang các đối tác thương mại khác giảm, bao gồm giảm 13,8% sang Mỹ và giảm 11% sang Liên minh châu Âu (EU).

Nếu đà tăng tiếp tục, thương mại giữa hai quốc gia trong cả năm 2023 chắc chắn sẽ đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD.

Gong Jiong, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh và kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh cho biết: “Con số này quả thực rất ấn tượng”, đồng thời nhấn mạnh, Nga đang nhanh chóng bắt kịp Hàn Quốc và Nhật Bản về giá trị thương mại với Trung Quốc và có thể vượt qua hai đối thủ nặng ký của châu Á “trong vòng một hoặc hai năm”.

Để đối phó với tác động của đợt trừng phạt tiếp theo, Bộ Tài chính Nga tuyên bố vào giữa tháng 12 rằng sẽ bãi bỏ thuế xuất khẩu dầu từ đầu tháng 1, đồng thời cắt giảm thuế đối với xuất khẩu LNG.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã nhiều lần cam kết sẽ mở cửa hơn nữa với phần còn lại của thế giới về thương mại, tiêu chuẩn và quy tắc, đồng thời thúc đẩy tham gia hiệp định thương mại cấp cao châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bắc Kinh cũng đang đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn cầu về công nghệ và đổi mới, đồng thời thu hút nhiều chuyên gia quốc tế hơn. Aleksei Chigadaev, cựu giảng viên thỉnh giảng về nghiên cứu khu vực so sánh tại Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, cho biết Trung Quốc cần chuẩn bị tốt hơn để xử lý những rủi ro bất ngờ.

Sẽ rất khó để so sánh khả năng phục hồi của hai nền kinh tế, chuyên gia Aleksei Chigadaev cho rằng, nếu Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản thì Trung Quốc tự hào có một lượng lớn hàng hóa có ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và EU.

Thêm nữa, “Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chỉ là đòn tấn công, ảnh hưởng đến người tiêu dùng bình thường ở EU do chi phí nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc là cuộc tấn công trực diện”, ông Aleksei Chigadaev nói.

(theo SCMP)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-nga-van-kien-cuong-truoc-phong-ba-bao-tap-trung-phat-bac-kinh-hoc-duoc-gi-tu-moscow-256308.html