Kinh tế Nhật Bản thoát suy thoái kỹ thuật, phát tín hiệu tích cực cho BoJ

Thông tin về việc nền kinh tế Nhật Bản đã tránh được suy thoái nhờ chi tiêu mạnh mẽ của các doanh nghiệp, thúc đẩy Ngân hàng Trung ương (BoJ) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Chi tiêu doanh nghiệp được cho là giúp Nhật Bản tránh suy thoái kỹ thuật. Ảnh: AP

Chi tiêu doanh nghiệp được cho là giúp Nhật Bản tránh suy thoái kỹ thuật. Ảnh: AP

Tín hiệu tích cực

Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 11.3 công bố số liệu cho thấy, GDP của Nhật Bản quý IV.2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước đó, thay vì giảm 0,4% như dự đoán ban đầu. Do đó, kinh tế Nhật Bản đã tránh được suy thoái kỹ thuật. Trước đó GDP quý III.2023 của nước này giảm 0,8%. Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy GDP đã tăng trưởng trở lại, nhưng tốc độ này vẫn thấp hơn so với dự báo 1,1% của giới chuyên gia.

Dữ liệu mới củng cố nhận định của BoJ rằng kinh tế nước này tiếp tục phục hồi nhẹ với việc các doanh nghiệp đã lạc quan hơn và bắt đầu tăng đầu tư và tăng lương nhân công.

Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân, chiếm khoảng 60% nền kinh tế Nhật Bản, vẫn giảm 0,3%.

Kỳ vọng BoJ sớm tăng lãi suất

Thông tin trên được đưa ra ngay trước cuộc họp của BoJ trong bối cảnh thị trường dự đoán cơ quan này sẽ bỏ chính sách lãi suất âm trong tháng này hoặc tháng 4 khi tiến gần hơn tới mục tiêu lạm phát 2%.

Theo ông Takashi Miwa, nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, dữ liệu chi tiêu yếu có lẽ sẽ không ngăn cản BoJ thực hiện động thái này. Ông cho hay: “Báo cáo triển vọng của BoJ trong tháng 10 và tháng 1 cho thấy họ không quá lo ngại về việc giảm chi tiêu. BoJ đã liên tục đánh giá rằng mối quan hệ giữa tiền lương và giá cả đang được cải thiện”, dữ liệu GDP có thể cũng sẽ củng cố quan điểm này.

Ông Nobuyasu Atago, kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten, cho biết số liệu này yếu hơn dự kiến, do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao. Tuy nhiên, ông kỳ vọng BoJ sẽ đưa ra một động thái chính sách trong tháng này. Ông cho biết: “Nếu họ không hành động vào tháng 3 ngay cả khi có kết quả tốt từ các cuộc đàm phán về tiền lương, đồng Yên có thể giảm, gây hại thêm cho người tiêu dùng với chi phí nhập khẩu cao hơn”. Phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng BoJ sẽ loại bỏ lãi suất âm vào tháng 3 hoặc tháng 4. Những dấu hiệu đáng khích lệ về tăng trưởng tiền lương trong năm nay đã làm gia tăng kỳ vọng vào việc tăng lãi suất vào cuộc họp chính sách ngày 19.3.

Lạm phát tiếp tục vượt xa mức tăng lương trong năm nay, gây gánh nặng lên ngân sách hộ gia đình và cắt giảm chi tiêu. Dữ liệu ban đầu cho thấy điều này sẽ kéo dài sang năm 2024. Chi tiêu hộ gia đình giảm 6.3% so với tháng 1.2023, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2.2021.

Trọng tâm hiện nay là các cuộc đàm phán về lương hàng năm giữa các công ty và liên đoàn lao động, đặc biệt là kết quả từ nhóm công đoàn lớn nhất, Rengo, vào ngày 15.3, ngày cuối cùng trước cuộc họp của BoJ. Hiện công đoàn yêu cầu mức tăng lương trung bình lớn nhất kể từ năm 1993, ở mức 5,85% so với 4,49% một năm trước.

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán tiền lương như một chất xúc tác cho một chu kỳ tiền lương - giá cả tích cực, dấu hiệu cho thấy mục tiêu lạm phát đã đạt được và cho phép BoJ bình thường hóa các chính sách của mình.

Ông Atago cho biết, cơ hội bình thường hóa chính sách của BoJ có thể không còn lâu nữa. “Họ càng chờ đợi lâu thì họ càng khó chấm dứt lãi suất âm”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/kinh-te-nhat-ban-thoat-suy-thoai-ky-thuat-phat-tin-hieu-tich-cuc-cho-boj-i362601/