Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Nông dân lao đao vì sen chết
Tính đến ngày 13/5, trong số hơn 320 ha sen ở huyện Phong Điền có gần 100 ha bị bệnh thán thư chết hàng loạt, gây thiệt nặng đối với bà con.
Ông Trương Duy Hòa ở thị trấn Phong Điền đứng ngồi không yên trước hồ sen bị chết hàng loạt do bệnh thán thư. Đây là loại bệnh nguy hiểm trên cây sen mà những người trồng sen lâu năm như ông Hòa đành bó tay. Loại bệnh này thường xảy ra khi thời tiết diễn biến phức tạp. Nhiều năm trước, bệnh từng xảy ra nhưng mức độ nhiễm nhẹ hơn.
Dấu hiệu bệnh thán thư trên cây sen rất dễ nhận biết như thối lá, teo thân… Ông Hòa thường xuyên theo dõi, sớm phát hiện bệnh nhưng vẫn không có cách cứu chữa. Đến nay toàn bộ hồ sen chừng một ha đều bị chết. Theo ông Hòa, chi phí từ khi trồng, chăm sóc đến nay ước trên 30 triệu đồng.
Thời gian qua đã có một số chương trình, dự án phục hồi nghề trồng sen, xây dựng thương hiệu sen Huế nhưng hầu như chưa đề cập sâu đến phòng trừ bệnh. Trong đó bệnh thán thư là loại bệnh nguy hiểm nhất mà ông Hòa cũng như người trồng sen từng kiến nghị, đề xuất các ban ngành cần có giải pháp giúp dân ứng phó, phòng trừ. Tuy nhiên, đến nay hầu như các hộ trồng sen ở Phong Điền đều chưa được tập huấn, chưa nắm bắt các quy trình, kỹ thuật phòng trừ loại bệnh này.
Người dân xã Phong Hòa cũng lao đao khi có gần 24 ha sen đều bị chết hàng loạt do nhiễm bệnh thán thư. Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, ông Nguyễn Hữu Đức khẳng định, chưa bao giờ cây sen bị nhiễm bệnh nặng như đợt này, gây thiệt hại lớn đối với người dân địa phương. Ước bình quân mỗi ha thiệt hại 30-50 triệu đồng, chủ yếu chi phí công trồng, chăm sóc, giống, phân bón...
Ngoài bệnh thán thư trên diện tích 100 ha tại huyện Phong Điền, người dân đang lo ngại loại bệnh nguy hiểm này tiếp tục lây lan sang nhiều diện tích trên địa bàn huyện và các địa phương khác.
Ông Lê Quý Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, từ đầu vụ có một số diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen bị chết cục bộ với tỷ lệ 10%-20%, nơi cao 50%-70%. Nguyên nhân bệnh chủ yếu do nhiễm chua, phèn, một phần do bệnh thán thư, thối rễ, thối thân gây hại. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như đốm lá, bọ trĩ… gây hại mật độ, tỷ lệ thấp. Đặc biệt mới đây, bệnh thán thư gây hại trên diện rộng với diện tích gần 100 ha sen trên địa bàn huyện Phong Điền.
Theo ông Thảo, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp gây ra, thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, gây bệnh trên các bộ phân cây sen như lá, bông, hạt. Nấm bệnh gây hại trên lá và bông khi còn dưới mặt nước làm thối các bộ phận này…
Khi hồ, ruộng sen đang nhiễm bệnh, người dân nên ngừng bón các loại phân, chất kích thích sinh trưởng, đồng thời tháo cạn nước trong hồ và tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bệnh. Khi phun thuốc phòng trừ bệnh kết hợp với dầu khoáng, hoặc chất bám dính để tăng khả năng bám dính của thuốc và loang đều trên thân, lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc. Sau phun ba ngày, tiến hành kiểm tra ruộng sen, nếu thấy bệnh ngừng phát triển thì cho nước vào ruộng trở lại và chăm sóc để cây sen phục hồi phát triển. Nếu bệnh có xu hướng phát triển thì phun lại lần hai để khống chế bệnh, tăng cường bón thêm phân kaliclorua để cây hồi phục và phát triển.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 600 ha ao hồ trồng sen, trong đó tại huyện Phong Điền chiếm hơn 50% diện tích. Diện tích còn lại tập trung tại hồ Tịnh Tâm (TP. Huế), huyện Phú Vang và rải rác tại một số địa phương. Trong điều kiện sản xuất an toàn, mỗi ha sen đạt năng suất bình quân 5 tạ/ha. Với giá hiện nay dao động trên dưới 200 ngàn đồng/kg hạt khô, mỗi ha sen mang lại doanh thu khoảng 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi trên 50 triệu đồng.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nong-dan-lao-dao-vi-sen-chet-a113021.html