Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Phát triển đặc sản quê
Tìm hướng đi mới cho đặc sản địa phương, đôi vợ chồng trẻ Trần Diệm và Lại Thị Kiều My xây dựng nhà xưởng, phát triển mặt hàng hải sản khô tại làng biển Mỹ Á (xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc).
Trước đây, người dân tại xã Vinh Hải vẫn có truyền thống làm hải sản khô. Tuy nhiên, do phương thức thủ công, vả lại chẳng mấy ai mặn mòi với cách phát triển kinh tế này nên chủ yếu chỉ chi dùng trong gia đình. Nhận thấy tiềm năng từ chế biến hải sản khô, mong muốn đặc sản địa phương được biết đến cũng như có nguồn kinh tế bền vững, vợ chồng anh Diệm, chị My đã nảy ra ý tưởng mở cơ sở chế biến thủy hải sản khô Mỹ Á.
“Khi được mùa, giá cá rẻ đến thê thảm. Một kí cá cơm tươi đôi lúc chỉ còn 6 nghìn. Nhà mình có thuyền, vì thế rất hiểu cảnh được mùa mất giá. Chỉ mong có cách nào đó nâng cao giá trị, hoặc ít ra là bán được cá với giá cả ổn định …”, chị My nói.
Năm 2016, anh chị bắt tay vào xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 50m2 và đầu tư sân phơi rộng 100m2. Khu chế biến được trang bị kỹ lưỡng, đảm bảo khâu vệ sinh. Lúc thời tiết tốt, đôi vợ chồng trẻ tận dụng, hong cá trực tiếp dưới nắng. Vào mùa mưa, xưởng có máy sấy để đảm bảo nguồn hàng.
Chị My hồ hởi: “Đây là máy sấy do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ. Nhờ chiếc máy này mà chất lượng cá vẫn đảm bảo dù thời tiết thất thường”. Máy sấy được đặt trong phòng kín, cá, mực được hút ẩm dưới nhiệt độ 400C, thời gian sấy kéo dài từ 20-24 giờ.
Do lợi thế sát biển, đôi vợ chồng trẻ dễ dàng thu mua cá nguyên liệu của bà con quanh vùng. Chính vị trí của nhà xưởng đã tạo điều kiện thuận lợi. Anh Diệm bộc bạch: “Cá biển mới vào được sơ chế nhanh chóng sẽ giúp giữ độ ngọt và vị tươi ngon. Đó là cái riêng mà mình muốn giữ, nét khác biệt của cá khô vùng Mỹ Á”.
Giai đoạn ban đầu là lúc khó khăn, anh Diệm, chị My ít kinh nghiệm, đầu ra chưa ổn định nên rất chật vật. Thật mừng vì sau ba năm, thị trường tiêu thụ đã đi vào quỹ đạo. Cá khô Mỹ Á theo chân những người con Vinh Hải vào Nam, lên Tây Nguyên, mối lẻ, sỉ có đủ. Đôi lúc hụt hàng, anh chị không đủ cá khô để bán.
“Với mình, độ tươi ngon của nguyên liệu là quan trọng nhất. Nguyên liệu tốt được chế biến cẩn thận sẽ cho ra sản phẩm với hương vị thuần khiết nhất. Đó là bí quyết của cá khô Mỹ Á”, chị My bật mí.
Cứ 5-6kg cá tươi sẽ cho ra thành phẩm 1kg cá khô. Giá bán trung bình các loại cá dao động từ 140-150 nghìn đồng/kg. Với hướng đi này, hàng năm hơn một tấn thành phẩm cá, ruốc, mực khô mang lại cho anh chị nguồn thu nhập khá, thúc đẩy đôi vợ chồng trẻ nỗ lực, cố gắng phát triển mặt hàng đặc sản tại địa phương.
Ông Nguyễn Tri, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Hải thông tin: Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt hải sản trên địa bàn xã Vinh Hải là 280 tấn; trong đó chủ yếu là các loại cá trích, cá cơm, cá nục… Nhờ cơ sở chế biển hải sản khô Mỹ Á, bà con Vinh Hải có thêm đầu ra, vững vàng hơn khi vươn khơi bám biển.
Sản phẩm cá cơm khô của đôi vợ chồng trẻ đã được UBND huyện Phú Lộc chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2019. Thời gian tới, cơ sở sản xuất sẽ mở rộng thêm mặt hàng, lấn sân sang cá tẩm ướp gia vị. Hội Nông dân xã sẽ mở rộng cầu nối, kết nối cơ sở chế biến với Cửa hàng giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm huyện Phú Lộc, quảng bá rộng rãi hơn đặc sản của địa phương.
Bài, ảnh: MAI HUẾ
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/phat-trien-dac-san-que-a77040.html