Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Tìm giải pháp đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đó là nội dung đưa ra tại hội thảo với chủ đề 'Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) tại Thừa Thiên Huế' do Sở KH&CN tổ chức ngày 21/5

Tham dự, có TS.Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng vụ KH&CN và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT; PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; cùng diện lãnh đạo sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp (DN) liên quan ở địa phương.

Chưa tương xứng

Thời gian ần đây tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó quan tâm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn, truy xuất nguồn gốc...

Trồng rau công nghệ cao tại Hương Phú, Nam Đông

Trồng rau công nghệ cao tại Hương Phú, Nam Đông

Qua triển khai, ở địa phương xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ, Hộ kinh doanh nhà vườn Vinh Hưng, Hộ kinh doanh nông sản sạch Hải Farm, Công ty TNHH MTV SEAFOOD, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol… với nhiều sản phẩm, như dưa lưới, rau má, dược liệu, nước mắm, atiso đỏ… Về chăn nuôi, như lợn, gà đã xuất hiện nhiều trang trại ở Quảng Điền, Phú Vang áp dụng công nghệ bán tự động mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến nay đã ứng dụng nuôi công nghệ cao đạt 82 ha của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại huyện Phong Điền và còn hàng trăm ha diện tích mặt nước có thể nuôi thủy sản ứng dụng CNC tại Phong Điền và Phú Lộc.

Tuy vậy, theo nghiên cứu khảo sát của Sở KH&CN, ngành vực nông nghiệp ở địa phương chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mang lại hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ vẫn phổ biến; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Nguyên nhân rất nhiều; trong đó nhiều chuyên gia cho rằng đó là xuất phát điểm nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế thấp; đất đai manh mún, quỹ đất trồng trọt của nông hộ ít, chưa hình thành được vùng chuyên canh. Hơn nữa nguồn nhân lực, nhất là nông dân chưa đổi mới tư duy sản xuất. Công tác nghiên cứu, chuyển giao KH&CN chưa tạo đột phá. Các DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đẩy mạnh; chưa có DN lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Đột phá cho nông nghiệp

Công nghệ tạo giống CNC tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong

Công nghệ tạo giống CNC tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phải là sự nghiệp của toàn dân, phải có mục tiêu "ứng dụng" và "thương mại". Tại Thừa Thiên Huế muốn phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC phải có bước đi cụ thể, tránh chạy theo phong trào, mà đi từ quy mô nhỏ đến lớn, phù hợp với năng lực đầu tư của DN và người dân. Sản phẩm lựa chọn trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phải có sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh cao, có quy mô sản xuất (hiện tại và tiềm năng) lớn; trong đó phải kéo DN vào chuỗi sản xuất và chính quyền tạo "lực đẩy" thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng vụ KHCN và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ, nghiên cứu ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại theo hướng sản xuất hàng lớn, có giá trị sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên phải tùy thuộc vào điều kiện mỗi địa phương để có kế hoạch, quy hoạch, nghiên cứu, ứng dụng phát triển một cách phù hợp. Chúng ta không nên xây dựng các khu nghiên cứu ứng dụng CNC tràn lan, chạy theo phong trào, không tạo được tính đột phá, gây lãnh phí nguồn lực. Phải biết tập trung đầu tư có tính liên kết, từ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nhất là những công nghệ nước ngoài mà Việt Nam chưa tạo ra được để tạo ra hàng hóa lớn...

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN thông tin, với sự tham mưu của sở ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt hiện nay, Sở KH&CN đang xây dựng đề án ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp CNC tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030 khá thiết thực. Qua hội thảo này, Giám đốc Sở KH&CN kỳ vọng các sở, ban ngành, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương sớm thay đổi nhận thức, tiếp cận các chính sách, giải pháp kỹ thuật tiến bộ để xây dựng nền nông nghiệp địa phương thịnh vượng, giàu có, văn minh.

Nhiều chuyên gia dự hội thảo này chia sẻ, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn nhiều hạn chế, đa phần ở quy mô nhỏ do vậy, rất cần có chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt để tạo đột phá mới. Trong đó phải xem DN là hạt nhân, kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt khâu sản xuất, định hướng thị trường, tạo động lực mới để phát triển nông nghiệp trong thời gian đến.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tim-giai-phap-dua-khoa-hoc-vao-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a113365.html