Kinh tế Quý 4: Vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng

GDP quý 3/2021 có mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Song, chuyên gia cho rằng, mục tiêu năm nay không phải là con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà là sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội…

Những động lực trong khó khăn

Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tính chung, GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về mức tăng trên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Tuy mức tăng trưởng đạt thấp nhưng là thành công lớn của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)

“Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch trong đại dịch. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%...”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.

Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường, với mức tăng trưởng 9 tháng này, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021 là không còn khả thi. Tuy nhiên, theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mục tiêu năm nay có thể không phải là con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà vẫn là các mục tiêu về đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số lớn của nền kinh tế, duy trì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

“Cần đặt mục tiêu cho những tháng cuối năm về việc hình thành được những mô hình khác nhau cho việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế trong nhiều kịch bản, gồm cả kịch bản sạch bóng virus và kịch bản trong đó virus vẫn còn tồn tại, các ca dương tính vẫn còn tồn tại. Đồng thời, các mục tiêu về mức độ mở rộng tiêm chủng, về hình thành tính tự giác, tự kỷ luật trong phòng chống dịch bệnh của mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp... Đây là vốn và hành trang quan trọng để chúng ta mang theo và bước sang năm 2022 với tâm thế tự tin và lạc quan hơn rất nhiều”, TS. Lê Duy Bình nêu quan điểm.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

TS. Bình cho rằng, vẫn còn một số cơ hội, động lực để cải thiện mức tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, trong khi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn, vẫn có nhiều tỉnh thành đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí còn gia tăng tuyển dụng lao động, ví dụ như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành khác. Những địa phương này đang gánh trách nhiệm lớn hơn là động lực duy trì tăng trưởng cho cả nước trong năm nay.

“Chúng ta có thể trông chờ vào nhu cầu tăng mạnh của thị trường toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam khi trong những tháng tới, đặc biệt là vào những tháng tiêu dùng cuối năm của cả thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản vào dịp Giáng sinh, và sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác vào dịp Tết Nguyên đán”, TS. Bình cho hay.

Bên cạnh đó, đà suy giảm của tiêu dùng trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bị chặn đứng và quay đầu tăng trở lại nếu như dịch bệnh được khống chế hay các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ hơn cũng đóng góp thêm cho tốc độ tăng trưởng. Gia tăng số vốn thực hiện của nguồn vốn FDI hay vốn đầu tư tư nhân cũng có ý nghĩa quan trọng về tăng trưởng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Nhưng các động lực này chỉ có thể được phát huy tác dụng ở mức cao nhất nếu như chúng ta khống chế được dịch, hoặc chúng ta có các biện pháp khôi phục lại sản xuất một cách an toàn, xây dựng được mô hình đồng hành chống dịch - phát triển kinh tế ngay cả trong bối cảnh vẫn còn các ca dương tính tại các địa phương”, TS. Lê Duy Bình lưu ý.

GDP cả năm có thể đạt mức 3-4%

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, nếu quý 4/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3-4%.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo ông Thành, khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine, sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường sẽ là 4 nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.

Về chính sách tiền tệ, ông Thành lưu ý, bên cạnh việc giãn, hoãn, khoanh nợ cần giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần giữ ổn định thanh khoản chung của hệ thống, dùng trần tín dụng để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay.

“Về chính sách tài khóa, việc mở rộng hơn phạm vi hỗ trợ gồm người dân và hộ kinh doanh là cần thiết. Bên cạnh việc giãn, hóa các khoản thuế phí, thuế đất… cần tính đến việc giảm thuế VAT, thuế thu nhập và lựa chọn những ngành chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19 như hàng không, những ngành lan tỏa nền kinh tế để tính toán giải pháp hỗ trợ kịp thời”, TS. Võ Trí Thành đề xuất./.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-quy-4-van-con-co-hoi-de-cai-thien-muc-tang-truong-894669.vov