Kinh tế số buộc CSGDĐH phải thay đổi trong đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng

Ngành Tài chính - Ngân hàng có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi sinh viên phải có những kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, ngành Tài chính - Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các thí sinh vì cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập cao.

Trước bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển, ngành Tài chính - Ngân hàng đang và sẽ phải có những thay đổi lớn để bắt kịp các yêu cầu đổi mới. Theo đó, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng cũng phải nâng cấp những kiến thức, kỹ năng của bản thân để đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập hấp dẫn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại cho rằng ngành Tài chính - Ngân hàng là ngành học hấp dẫn bởi nhiều lý do, từ cơ hội việc làm đến thu nhập sau khi ra trường:

“Với tính cạnh tranh cao, ngành Tài chính - Ngân hàng không chỉ mang lại cơ hội việc làm rộng mở mà còn đảm bảo tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp rất cao. Thực tế đào tạo cho thấy, 100% sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại đã tạo lập quan hệ với các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán,… cũng như với các doanh nghiệp phi tài chính để có vị trí thực tập và cơ hội việc làm cho bản thân.

Trong đó, nhiều sinh viên khi đang theo học tại trường đã là cộng tác viên, tham gia các chương trình đào tạo tiền tuyển dụng, đào tạo tân tuyển của các đơn vị là đối tác của khoa, của trường trước khi tốt nghiệp. Kết quả khảo sát người học sau tốt nghiệp cho thấy hàng năm tỷ lệ sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ở mức cao, khoảng 95-96% ngay trong năm đầu tiên sau khi nhận bằng cử nhân.

Không chỉ vậy, thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng cũng rất hấp dẫn, kết quả khảo sát thực tế cho thấy trong những năm gần nhất, thu nhập khởi điểm của sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng sau tốt nghiệp luôn ở mức khoảng 10 triệu đồng/tháng chưa tính tới các thu nhập gắn với chỉ tiêu kinh doanh mà nhân sự ngành Tài chính – Ngân hàng có cơ hội nhận được”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh và các bạn sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh và các bạn sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: NVCC)

Chị Trần Thị Minh Huyền, 29 tuổi, cựu sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang giữ vị trí giao dịch viên tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu cho biết: “Sinh viên mới ra trường khi làm việc tại các ngân hàng cũng đã có thể có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với những người đi làm đã có kinh nghiệm thì thu nhập có thể lên đến 50-70 triệu đồng/tháng tùy vào khả năng”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thúc Hương Giang, Phó Trưởng khoa Kinh doanh, Giám đốc chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, Tài chính - Ngân hàng là ngành học có sức hút lớn vì thị trường rất cần nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này: “Các doanh nghiệp phi tài chính dưới sức ép của tăng trưởng kinh tế hiện nay liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực phân tích và quản trị tài chính chất lượng cao. Thực tế cho thấy các bạn sinh viên học ngành Tài chính - Ngân hàng ra trường tỷ lệ làm đúng ngành khá cao và thu nhập khá tốt so với các ngành khác trên thị trường.

Theo khảo sát của Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2023 của ngành Tài chính - Ngân hàng lên đến 100%. Vì vậy, ngành Tài chính - Ngân hàng trong những năm gần đây luôn giữ vững độ “hot” và điểm chuẩn ngành này cũng được duy trì khá cao ở mức 25-27 điểm”.

Khi theo học ngành Tài chính - Ngân hàng, các sinh viên đều được trang bị kiến thức chuyên sâu và thực tiễn về ngành học. Tiến sĩ Nguyễn Thúc Hương Giang cho hay: “Sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng tại Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ được trang bị các kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành về tài chính doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư, công nghệ tài chính (fintech),...

Với lợi thế là sinh viên một ngành kinh tế trong trường đại học công nghệ hàng đầu, các bạn sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng cũng sẽ được tiếp cận với tư duy toán, logic, tư duy công nghệ. Đây đều là những kiến thức cần thiết để có thể thành công trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao như Tài chính - Ngân hàng. Ngoài ra, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có cả các môn học về kỹ năng mềm, kỹ năng bổ trợ để tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”.

 Tiến sĩ Nguyễn Thúc Hương Giang, Phó Trưởng Khoa Kinh doanh, Giám đốc chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Thúc Hương Giang, Phó Trưởng Khoa Kinh doanh, Giám đốc chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Chương trình đào tạo Tài chính - Ngân hàng của Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội được chia thành 4 mô-đun chuyên ngành, bao gồm: Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại, Internship, Thông tin và tri thức kinh doanh.

Trong khi đó, Trường Đại học Thương mại hiện đào tạo 4 chuyên ngành thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng gồm: Tài chính - Ngân hàng thương mại, Tài chính - Ngân hàng thương mại (IPOP), Tài chính công và Công nghệ Tài chính ngân hàng. Sự khác biệt của mỗi chương trình đào tạo thể hiện ở lĩnh vực chuyên sâu mà mỗi chuyên ngành hướng tới, từ đó giúp người học định hướng vị trí nghề nghiệp tương lai.

Để thu hút sinh viên theo học ngành Tài chính - Ngân hàng, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng đều có các chương trình học bổng cho sinh viên và kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để sinh viên được trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế.

Giám đốc chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Các bạn sinh viên học ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường đều được tạo điều kiện để tiếp cận các học bổng khuyến khích học tập của trường với mức học bổng lên tới 1,5 lần học phí hoặc các học bổng chuyển tiếp đi học tập ở nước ngoài.

Ngoài ra, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có chương trình thực tập sinh ở nước ngoài hoặc trao đổi sinh viên 1 kỳ học với các đại học lớn trên thế giới như: Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Konstanz (Đức), Đại học Perpignan (Pháp).

Đặc biệt, sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng còn cơ hội tham gia các câu lạc bộ chuyên môn như Câu lạc bộ Kế toán - Tài chính, Câu lạc bộ Tài chính và công nghệ, cũng như tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế để được cọ xát và trau dồi thêm các kỹ năng giúp ích cho tương lai sau này”.

 Sinh viên Tài chính - Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi talkshow chủ đề "Tác động của AI đến lĩnh vực tài chính kế toán trong các doanh nghiệp". Ảnh: website nhà trường

Sinh viên Tài chính - Ngân hàng, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi talkshow chủ đề "Tác động của AI đến lĩnh vực tài chính kế toán trong các doanh nghiệp". Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Thúc Hương Giang cũng cho biết thêm, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu luôn chú trọng việc hợp tác với các doanh nghiệp và các định chế tài chính để sinh viên có cơ hội học hỏi trong môi trường nghề nghiệp thực tế ngay từ năm nhất đại học: “Trường đã được sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, các tổ chức nghề nghiệp và các doanh nghiệp lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng trên thị trường. Từ năm nhất, các sinh viên đã có cơ hội đi tham quan doanh nghiệp với môn nhập môn của ngành. Sinh viên năm hai và năm ba đã có thể cộng tác, thực tập tại các đơn vị có mối quan hệ hợp tác với trường.

Với sinh viên năm 4, Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng kết nối các bạn với nhiều đơn vị để sinh viên được thực tập theo chương trình thực tập full-time 4-6 tháng hoặc thực tập part-time. Nhiều bạn sinh viên trong số đó đã trở thành nhân viên chính thức với mức thu nhập khá tốt ngay sau kỳ thực tập. Tỷ lệ sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng ra trường sớm cũng ngày càng gia tăng”.

Sinh viên Tài chính - Ngân hàng cần phải nắm vững các kiến thức, kỹ năng công nghệ

Xu thế phát triển của kinh tế số đang và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều thay đổi quan trọng đối với ngành Tài chính - Ngân hàng trong tương lai, trong đó các yêu cầu về chuẩn đầu ra kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học cần có sự thay đổi. Cùng với đó, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá của các trường đại học cũng cần điều chỉnh và cập nhật.

Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại nhấn mạnh: “Sinh viên cần được trang bị kiến thức về công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và Chuỗi khối (Blockchain). Những kiến thức và kỹ năng về quản lý tài chính, kinh doanh dịch vụ tài chính, tư vấn tài chính đều sẽ phải thay đổi theo hướng thích ứng trong môi trường số với sự tham gia ngày càng nhiều hơn, sâu rộng hơn của các ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, kinh tế số đòi hỏi khả năng phân tích và xử lý dữ liệu lớn để đưa ra các quyết định tài chính chính xác và kịp thời. Vì vậy, sinh viên cần được đào tạo về các công cụ và phương pháp phân tích dữ liệu hiện đại đồng thời phải được chuẩn bị cả về phương pháp tư duy cũng như về tâm thế làm việc và học tập suốt đời trong bối cảnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, với sự gia tăng của các giao dịch điện tử, an ninh số trở thành một yếu tố quan trọng thiết yếu đối với cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Người học do đó cần hiểu biết, kỹ năng và thái độ phù hợp, cập nhật về các biện pháp bảo mật và quản lý rủi ro trong môi trường số”.

Theo Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, xu thế phát triển của kinh tế số cũng sẽ khiến sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng phải đối mặt với áp lực lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì.

Mỗi sinh viên phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng đồng thời với việc thiết lập, mở rộng hệ thống quan hệ xã hội mới có thể cạnh tranh trong tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm. Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải chủ động nắm vững các kỹ năng công nghệ và phân tích dữ liệu để phục vụ cho quá trình làm việc thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.

 Sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại đạt giải “Best paper” tại hội thảo khoa học Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại đạt giải “Best paper” tại hội thảo khoa học Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới. Ảnh: website nhà trường

Chị Bùi Thị Trang, 25 tuổi, cựu sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Tài chính, hiện đang giữ vị trí chuyên viên đại lý lưu ký trái phiếu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank cho rằng để tăng cơ hội cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm, sinh viên phải có khả năng thích nghi cao, có các kiến thức chuyên môn về ngành học và có các kỹ năng mềm để phục vụ quá trình làm việc.

“Các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng rất cần nguồn nhân lực, nhưng phải là nguồn nhân lực giỏi. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên phải có kiến thức, kỹ năng vững mới có thể tăng cơ hội cạnh tranh.

Kiến thức được học trong trường chính là nền tảng, vậy nên sinh viên phải học tập chăm chỉ, nắm vững kiến thức chuyên môn. Song song với đó, các bạn cũng phải có sự chủ động tìm hiểu về thị trường. Không ít trường hợp sinh viên ra trường làm đúng ngành nhưng lại không hiểu rõ về thị trường tài chính vì trong lúc học chỉ phụ thuộc vào sách vở. Hoặc một số sinh viên gặp phải khó khăn vì các tình huống phát sinh trong thực tế nhiều hơn khi được học tại trường.

Thực tế hiện nay, một số công việc thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng đã được thay thế bằng máy móc. Ví dụ như trong môn thị trường chứng khoán, sinh viên sẽ được học về cách tính giá chứng khoán như giá trung bình, giá tham chiếu của từng chứng khoán trên thị trường chứng khoán vào mỗi phiên giao dịch. Nhưng khi đi làm thì tất cả những thứ đó đều đã được máy tính tính toán. Vậy nên nhà tuyển dụng không cần nhân sự tính giá hay chỉ số tài chính nữa mà họ cần nhân sự hiểu về những vấn đề liên quan đến dòng tiền, báo cáo tài chính, kế toán.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian và đặc biệt là kỹ năng tiếng Anh. Đây đều là những kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu công việc tại các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể cân nhắc học và thi chứng chỉ phân tích đầu tư tài chính (CFA). Chứng chỉ tài chính quốc tế này sẽ giúp sinh viên có được đánh giá cao hơn từ các nhà tuyển dụng và có cơ hội đảm nhận vị trí tốt hơn khi làm việc”.

 Chị Bùi Thị Trang, chuyên viên đại lý lưu ký trái phiếu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank. (Ảnh: NVCC)

Chị Bùi Thị Trang, chuyên viên đại lý lưu ký trái phiếu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, chị Trần Thị Minh Huyền, giao dịch viên tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu cũng cho rằng bên cạnh kiến thức ở trường, sinh viên cần chủ động học hỏi trong môi trường thực tế: “Theo tôi, kiến thức trường sẽ chiếm 30% và 70% còn lại các bạn cần học trong lúc đi làm. Vì khi đi làm thực tế sẽ xảy ra nhiều tình huống phát sinh hơn, đòi hỏi người làm phải có sự nhanh nhạy, hiểu biết và ứng biến kịp thời.

Ở vị trí giao dịch viên ngân hàng, sinh viên cần có những kiến thức về thu chi tiền mặt, các giao dịch liên quan đến tài khoản như rút nạp tiền, chuyển khoản, ủy nhiệm chi, gửi tiết kiệm,... và phải có các kỹ năng xử lý tình huống, có sự kiên nhẫn và linh hoạt khi giải quyết các vấn đề.

Khi đi làm, các bạn không nên trông đợi vào việc được “cầm tay chỉ việc” mà phải có sự chủ động học hỏi, chủ động tìm kiếm giải pháp để khắc phục những khó khăn của bản thân.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng đều đã có sự kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tài chính tuyển thực tập sinh. Đây là cơ hội mà sinh viên phải nắm bắt và biết cách tận dụng để có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc và hiểu rõ hơn về các vị trí công việc trong thực tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, các ngân hàng rất cần nguồn nhân lực trẻ - những bạn có sự nhiệt huyết và am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, ở các ngân hàng lớn thường không tuyển dụng tràn lan mà sẽ tuyển theo đợt và có chỉ tiêu theo từng khu vực. Tùy theo vị trí tuyển dụng sẽ có cả các bài thi đánh giá năng lực ứng viên. Vậy nên sinh viên cần tìm hiểu kỹ về các vấn đề này để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, sinh viên cũng nên tìm hiểu về môi trường, tính chất của từng ngân hàng để có sự lựa chọn phù hợp”.

Trịnh Chinh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kinh-te-so-buoc-csgddh-phai-thay-doi-trong-dao-tao-nganh-tai-chinh-ngan-hang-post248621.gd