Kinh tế số đóng góp ước khoảng 12,86% trong GDP năm 2022

Theo kết quả tính toán thử nghiệm sơ bộ của Tổng cục Thống kê về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%.

Sáng 12/9, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam”. Hội thảo được kết nối trực tuyến với UBND các tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chưa có lý luận, phương pháp thống nhất về đo lường kinh tế số

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”.

Cùng với đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội thảo

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại hội thảo

Ở Việt Nam, kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030.

Các chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố. Tuy nhiên, hiện nay việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP.

Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới.

Để đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu đo lường chỉ tiêu này.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia đã trình bày Đề xuất phương pháp đo lường Kinh tế số ở Việt Nam. Kết quả tính toán thử nghiệm sơ bộ của Tổng cục Thống kê theo phương pháp này cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%), số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%), bình quân giai đoạn 2019 - 2022 đạt khoảng 11,53%.

Bắc Ninh, Thái Nguyên dẫn đầu về tỷ lệ giá trị gia tăng của kinh tế số

Giai đoạn 2019 - 2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,49% năm 2019 lên 6,74% năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số giai đoạn 2019 - 2022 lần lượt là 6,30%, 11,27%, 7,07% và 7,30%. Từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số trở thành giải pháp hiệu quả để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.

Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế số lõi chiếm khoảng 60% trong tổng giá trị tăng thêm kinh tế số của cả nước.

Trong đó riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm khoảng 37% và tập trung ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Giá trị số hóa của các ngành kinh tế khác trung bình cả nước chiếm khoảng 40% và tập trung ở các khu vực dịch vụ, tuy nhiên do đặc thù kinh tế nên tỷ trọng này ở các tỉnh/thành phố là khác nhau.

Một số tỉnh có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP cao chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh (50,73%), Thái Nguyên (39,92%), Bắc Giang (30,31%), Hải Phòng (26,81%), Vĩnh Phúc (24,23%)… Đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, thu hút FDI, sản xuất các ngành kinh tế số lõi phát triển với cơ cấu chiếm khoảng 90% giá trị gia tăng của kinh tế số của địa phương.

Các đầu tàu kinh tế, chính trị của cả nước là thành phố Hà Nội có tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số năm 2022 trong GDP là 15,64%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 70% và TP. Hồ Chí Minh là 12,93%, trong đó kinh tế số lõi chiếm khoảng 63%. Nhìn chung, tỷ trọng số hóa của các ngành kinh tế đang có xu hướng tăng ở tất cả các địa phương.

Kết quả chính thức dự kiến công bố cuối năm nay

Dựa trên các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia tiếp tục có sự rà soát, tổng hợp để từng bước hoàn thiện nội dung về đề xuất phương pháp đo lường chỉ tiêu kinh tế số đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao theo kế hoạch; rà soát nguồn thông tin để hoàn thiện kết quả tính thử nghiệm đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng của đất nước. Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-so-dong-gop-uoc-khoang-1286-trong-gdp-nam-2022-135639.html