Kinh tế tăng cả lượng và chất

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2020. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao của khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng cũng tiếp tục được cải thiện.

Tín hiệu tích cực

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 không chỉ đạt cao mà chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; quy mô kinh tế mở rộng; năng suất lao động đạt khá; mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực…

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ

Cụ thể, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, dù thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018, nhưng hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội (mục tiêu là 6,6 - 6,8%), đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới. Cùng đó, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD). Chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).

Đặc biệt, tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP theo giá cơ bản giai đoạn 2016-2019 tăng qua từng năm (năm 2016 là 14,3%; năm 2017 là 15,3%; năm 2018 là 16%), trong khi đó, tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm dần (năm 2016 là 8,1%; năm 2017 là 7,5%; năm 2018 là 7,4%).

Không thể chủ quan

Dù đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm nay rất khả quan, song các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện song đầu tư công gặp khó khăn, tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công chậm và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương; trình độ khoa học - công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; việc tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại vẫn là thách thức lớn. Đơn cử, với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), dù thời gian đàm phán và phê chuẩn không ngắn, song việc rà soát, chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm…

Ủy ban Kinh tế cho rằng, những nguyên nhân nói trên phần nào lý giải vì sao liên tục trong những năm qua, dù hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP mỗi năm một tăng, năng suất lao động được cải thiện, GDP tăng trưởng cao… nhưng nền kinh tế vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu.

Do đó, để khắc phục, Chính phủ không chủ quan, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động… Những yếu tố này tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… của Việt Nam.

Các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung, làm rõ trong báo cáo một số điểm, như: Động lực tăng trưởng; vì sao vốn FDI đăng ký thấp hơn năm ngoái nhưng vốn nước ngoài tham gia mua cổ phần, góp vốn tăng rất mạnh, trên 80%; nguyên nhân khiến lạm phát thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2020: GDP tăng khoảng 6,8%; CPI bình quân tăng dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu dưới 3%...

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-tang-ca-luong-va-chat-126291.html