Kinh tế Tăng trưởng vốn đầu tư ngoài Nhà nước
TTH - Dù dịch COVID-19, nhưng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vẫn tăng, cơ cấu các nguồn vốn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước tăng cao nhất, được xem là động lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Khu vực ngoài Nhà nước đang có những đầu tư góp phần tạo chuyển biến phát triển kinh tế. Ảnh: Lương Xuân Trà
Khắc phục khó khăn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) tiếp tục giảm cả về số lượng và tổng vốn đăng ký. Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh có 415 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.273 tỷ đồng, giảm 17,3% về lượng và giảm 41,3% về vốn. Số DN hoạt động trở lại 286 DN, tăng 124 DN, tuy nhiên số DN đăng ký tạm ngưng hoạt động là 391 DN, tăng 44 DN; số DN giải thể cũng tăng 9 DN so với cùng kỳ ...
Tình hình phát triển DN bị tác động, tuy nhiên trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng trưởng khá, ước đạt 16.808 tỷ đồng, bằng 62,3% KH, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của DN vẫn tăng trưởng mạnh với 2.330 tỷ đồng, tăng 22,6%; vốn đầu tư của dân 2.280 tỷ đồng, tăng 18,1%.
Vốn DN trong những tháng qua tập trung đầu tư vào các dự án (DA) gấp rút hoàn thiện trong năm để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Tiêu biểu phải kể đến DA xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica). Đây là một trong những DA được đánh giá có triển vọng rất lớn trong kinh tế địa phương với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng; công suất 345.000 tấn sản phẩm/năm. Dù đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch song đầu tháng 8 này, DA vẫn kịp thời đi vào vận hành theo đúng lộ trình đặt ra.
Ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Hue Premium Silica thuộc Tập đoàn Việt Phương chia sẻ, dây chuyền DA phải nhập khẩu vì thế phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Do ảnh hưởng bởi dịch, đội ngũ chuyên gia nước ngoài không thể trực tiếp thực hiện công tác lắp ráp hệ thống dây chuyền. Đội ngũ kỹ sư của công ty phải chủ động hoàn thiện lắp ráp toàn bộ dây chuyền dưới sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia ở nước ngoài.
Dịch bệnh cũng khiến cho việc kết nối mạng lưới giao thương gặp trở ngại, công ty phải chuyển đổi công tác xúc tiến thị trường dù vậy đơn hàng vẫn đang rất ổn định và nhà máy phải “chạy” hết công suất để đảm bảo nhu cầu của các đối tác. Công ty cũng đã thực hiện sản xuất theo quy trình "3 tại chỗ" nhằm vừa an toàn chống dịch vừa đảm bảo sản xuất với chế độ đãi ngộ tốt cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
Nhà máy thủy điện Thượng Nhật và một số DA khác cũng đã gấp rút hoàn thiện để đưa vào vận hành trong năm. Một số DA thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các DA đầu tư trong khu công nghiệp cũng thực hiện đúng tiến độ cam kết.
Các DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dù bị tác động lớn, song tiến độ thực hiện vẫn đảm bảo. Có thể điểm mặt như: DA Laguna giai đoạn 2; khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; hạ tầng KCN Tứ Hạ (Công ty CP Hello quốc tế Việt Nam); nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam.
Nhiều DA mới cũng được các chủ đầu tư xúc tiến và được tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 24 DA với tổng vốn đầu tư 13.319,3 tỷ đồng; trong đó Khu Kinh tế, công nghiệp cấp 6 DA với vốn đăng ký 3.238,6 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 16 DA, vốn đầu tư tăng thêm 293,6 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại.
Tạo động lực tăng trưởng mới
Nhằm tạo cú hích trong đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong tình hình dịch bệnh, việc tập trung hỗ trợ các DA đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các DA lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư đang được tỉnh và các sở, ngành tập trung.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, ông Nguyễn Đại Vui, hiện tỉnh đang tập trung rà soát các DA còn vướng mắc giải phóng mặt bằng để có phương án xử lý, thu hồi; hỗ trợ giải phóng mặt bằng để khởi động Khu công nghiệp Phú Bài 4. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư theo danh mục DA vào địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt các DA đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN. Hỗ trợ Công ty CP Western Pacific nghiên cứu, xúc tiến đầu tư Trung tâm Logistics & Khu công nghiệp phức hợp và Công ty CP Sản xuất công nghiệp kính Chân Mây - CFG nghiên cứu lập DA đầu tư Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả Quyết định 35 của UBND tỉnh về quy định trình tự thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý DA đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách khu đất thành DA độc lập khi giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư DA có sử dụng đất.
Sở KH&ĐT tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các DA hoàn thành chính thức đi vào hoạt động trong năm: DA Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy Nakamoto Việt Nam, bến số 3 - Cảng Chân Mây, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí - Văn phòng và Khách sạn Nguyễn Kim... để tạo động lực tăng trưởng mới. Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện DA Trung tâm Thương mại dịch vụ tại khu A - Đô thị mới An Vân Dương và DA Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung. Tập trung rà soát và đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư trên địa bàn, đồng thời kiên quyết thu hồi, xử lý dứt điểm các DA chậm tiến độ, kéo dài, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tang-truong-von-dau-tu-ngoai-nha-nuoc-a105111.html