Kinh tế tập thể vững vàng tâm thế hội nhập
Sau 25 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bức tranh kinh tế tập thể (KTTT) Vĩnh Phúc đã có những đổi thay ấn tượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cả về lượng và chất, khẳng định được vai trò trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Đây cũng chính là động lực, nền tảng cơ bản để KTTT tự tin, vững vàng hội nhập quốc tế.
Những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có KTTT chậm phát triển, chậm đổi mới. Các Hợp tác xã (HTX) dù đã chuyển đổi thực hiện theo Luật HTX năm 1996 nhưng vẫn còn lúng túng trong sản xuất kinh doanh (SXKD), chưa thích ứng với cơ chế thị trường, hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ; cơ sở vật chất nghèo nàn, bộ máy quản lý còn yếu.
Nhận thức được vai trò, vị trí, tính tất yếu của kinh tế hợp tác, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ khu vực KTTT, HTX phát triển; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Từ đó, tạo hành lang pháp lý, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực KTTT. Đặc biệt, tháng 5 năm 2002, Liên minh HTX tỉnh được thành lập, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các HTX và thành viên trong quá trình hình thành, phát triển theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trong giai đoạn xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với khu vực KTTT được ban hành như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ cho khu vực KTTT; BHXH, BHYT, BHTN đối với thành viên và người lao động làm việc theo hợp đồng trong HTX.
Chính sách giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất; chính sách tài chính tín dụng; hỗ trợ KHKT và công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước; hỗ trợ liên kết sản xuất…
Kể từ khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, công tác chuyển đổi, tổ chức lại HTX theo Luật HTX 2012 được cấp ủy, chính quyền cùng đội ngũ cán bộ ban điều hành HTX nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Sau chuyển đổi, nhiều HTX được sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương, từng bước khắc phục khó khăn, phát huy được hiệu quả trong SXKD, xây dựng được mối quan hệ liên kết giữa HTX với thành viên, giữa HTX với doanh nghiệp.
Từ những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc, sau 25 năm, khu vực KTTT của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng, địa phương.
Hiện, toàn tỉnh có 25 tổ hợp tác (THT) và 752 HTX với trên 203 nghìn thành viên. Trong đó, có 451 HTX đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, tín dụng, thương mại dịch vụ, vận tải, vệ sinh môi trường...
Không chỉ tăng về số lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX cũng ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển.
Tính đến cuối năm 2021, tổng số vốn hoạt động đạt trên 980 tỷ đồng; giá trị tài sản của HTX đạt khoảng 1.115 tỷ đồng; doanh thu bình quân của HTX đạt gần 1,6 tỷ đồng/năm; lãi bình quân của 1 HTX đạt khoảng 230 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 46 triệu đồng/năm.
Về cơ bản, các HTX đều hoạt động đúng tính chất, phát huy được vai trò tập hợp, vận động, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân trong ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là HTX nông nghiệp.
Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình HTX kiểu mới, thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương, góp phần khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Điển hình phải kể đến HTX Rau an toàn Visa, HTX rau, hoa Tam Dương, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Lý …
Tuy nhiên, khu vực KTTT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng còn thấp so các khu vực kinh tế khác; phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu.
Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính của các HTX còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Chất lượng nguồn nhân lực của khu vực KTTT nhìn chung còn thấp.
Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Hội nhập sẽ tạo môi trường, cơ hội để các HTX được học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực; tiếp nhận công nghệ mới; mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các HTX phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất bởi các vấn đề về an toàn, chất lượng sản phẩm, cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra hết sức gay gắt.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 950 triệu đồng; tỷ trọng đóng góp của KTTT vào GDP của tỉnh đạt 3,14%, tỉnh sẽ tiếp tục tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai…, tạo động lực để KTTT phát triển bền vững, vững vàng hội nhập quốc tế.