Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU 'dọn đường' nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng
Nga thử nghiệm giao dịch tiền kỹ thuật số, EU chuẩn bị kế sách thương mại nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, sản lượng vàng của Trung Quốc tăng, toàn cầu trụ vững trước rất nhiều căng thẳng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu trụ vững trước rất nhiều căng thẳng
Kết quả khảo sát hằng trăm nhà kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành cho hay, tâm lý lạc quan về triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới đang gia tăng, nhưng rủi ro lạm phát cao hơn tiếp tục tăng cho dù các nhà kinh tế kiên định với dự báo về xu hướng cắt giảm lãi suất.
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và năm tới, tăng so với dự báo 2,9% và 3,0% trong cuộc thăm dò vào tháng Tư và xấp xỉ dự đoán mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Sự lạc quan đó trái ngược với những lo lắng vào đầu năm nay về việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể hấp thụ được tác động từ chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ mà không bị suy thoái hay không, mặc dù vẫn còn lo ngại về nền kinh tế số hai là Trung Quốc.
Ông Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets, cho biết nền kinh tế toàn cầu vẫn trụ vững trước rất nhiều căng thẳng và áp lực, bao gồm cả chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong hai năm qua.
Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng kinh tế sáng hơn, nhiều ngân hàng trung ương vẫn dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần vào cuối năm.
Trong số các ngân hàng trung ương lớn, các nhà kinh tế dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ba lần.
Nhìn chung, 56% người trả lời câu hỏi về lạm phát trong khảo sát nhận định giá có nhiều khả năng tăng cao hơn dự báo của họ trong phần còn lại của năm 2024, thay vì xuống thấp hơn. Tỷ lệ đối với triển vọng lãi suất cũng tương tự.
Mỹ
* Ngày 31/7 theo giờ địa phương, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại, song mở ra cánh cửa để cắt giảm chi phí cho vay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, trong bối cảnh tình hình lạm phát diễn biến tích cực và tiến gần đến mục tiêu 2%.
Trong tuyên bố đưa ra cuối cuộc họp, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25-5,50%, đồng thời lưu ý tình hình lạm phát tiếp tục có một số tiến triển hướng tới mục tiêu 2% của cơ quan này.
Trung Quốc
* Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động sản xuất của nước tiếp tục sụt giảm trong tháng 7/2024 và là tháng thứ ba liên tiếp giảm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất, đứng ở mức 49,4 điểm trong tháng 7/2024, giảm nhẹ so với mức 49,5 điểm trong tháng 6/2024. Con số mới nhất này phù hợp với dự báo của Bloomberg dựa trên khảo sát của các nhà phân tích.
Ba tháng liên tiếp giảm sút trong lĩnh vực sản xuất quan trọng là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của đất nước và cần phải được thêm sự hỗ trợ từ nhà nước để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
* Theo số liệu được công bố tại Hội nghị vàng quốc tế Trung Quốc 2024 tổ chức mới đây ở Thượng Hải, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng vàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 179,634 tấn, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lượng vàng bán ra là 523,753 tấn, giảm 5,61% so với cùng kỳ.
Châu Âu
* Hội đồng châu Âu đã đưa 7 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào quy trình xử lý chính thức vì vi phạm các quy định về ngân sách của khối. Động thái này có thể dẫn đến những hình phạt chưa từng có, trừ khi 7 nước này thực hiện các biện pháp khắc phục.
Theo đó, Hội đồng châu Âu đã thông qua các quyết định xác định thâm hụt ngân sách tại 7 quốc gia thành viên đã vượt mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), qua đó vi phạm các quy định tài chính của EU. Những nước này gồm Bỉ, Pháp, Italy, Hungary, Malta, Ba Lan và Slovakia.
Tháng 9 tới, 7 quốc gia nêu trên sẽ phải đệ trình kế hoạch trung hạn liên quan đến biện pháp khắc phục vi phạm. Sau đó, tháng 11/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra đánh giá đối với các kế hoạch, cùng thông tin chi tiết về lộ trình mà họ phải thực hiện để khôi phục tình hình tài chính lành mạnh.
* Lượng hành khách tại các sân bay châu Âu đã trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi.
Theo thông báo của Hội đồng sân bay quốc tế châu Âu (ACI Europe) ngày 31/7, lượng hành khách trong nửa đầu năm nay tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,4% so với nửa đầu năm 2019 - trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
ACI Europe cho biết giao thông hàng không quốc tế là động lực tăng trưởng chính, tăng 10,3% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 trong khi giao thông nội địa tăng 4,2%.
* Ngày 30/7 Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua luật cho phép kể từ ngày 1/9 tới có thể thử nghiệm các thanh toán xuyên biên giới giới và giao dịch trao đổi bằng tiền kỹ thuật số.
Ngân hàng Trung ương hứa rằng các khoản thanh toán đầu tiên bằng tiền điện tử trong chế độ thử nghiệm sẽ được triển khai trước cuối năm nay.
Người đứng đầu Ủy ban Duma về Thị trường Tài chính Anatoly Akskov cho biết, dự luật mới cho phép giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thanh toán cho đối tác nước ngoài, hợp pháp hóa một hiện tượng thực tế - cái gọi là khai thác, tức là tạo ra tiền điện tử.
* Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP đã công bố lợi nhuận giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024 do khấu hao tài sản và doanh thu giảm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của BP trong nửa đầu năm nay giảm 79% xuống còn 2,13 tỷ USD, so với mức tương ứng 10 tỷ USD của 6 tháng đầu năm ngoái. Doanh thu của tập đoàn này cũng giảm 8%, xuống còn 98 tỷ USD trong giai đoạn trên.
Đầu tháng 7 này, BP đã đưa ra dự báo với thị trường rằng lợi nhuận của họ sẽ chịu tác động lớn từ việc các nhà máy lọc dầu ở Đức cắt giảm công suất.
* EU đang xây dựng chiến lược thương mại hai bước nếu ứng cử viên Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Các quan chức EU coi cách tiếp cận trên là phản ứng tốt nhất đối với lời cam kết áp dụng mức thuế tối thiểu 10% của ông Trump, mà họ ước tính có thể làm giảm xuất khẩu của EU khoảng 150 tỷ Ruro (162,5 tỷ USD) mỗi năm.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết: "Chúng tôi phải chứng minh rằng chúng tôi là đối tác của Mỹ, chứ không phải là vấn đề".
* Khủng hoảng kinh tế ở Đức có thể sẽ kéo dài hơn nhiều chuyên gia lo ngại. Ngày 30/7, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, trong quý II vừa qua, kinh tế Đức suy giảm tối thiểu 0,1% so với quý trước đó. Trong quý I năm nay, kinh tế Đức chỉ tăng 0,2% sau khi đã suy giảm 0,4% trong quý cuối năm 2023.
Nguyên nhân của sự thiếu sức sống của kinh tế Đức tiếp tục là sự đan xen giữa các ảnh hưởng bên ngoài và các yếu tố bên trong. Đặc biệt, ngành công nghiệp, vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, gần đây lại phát triển yếu. Đơn đặt hàng yếu kém và sản xuất suy giảm chủ yếu do nhu cầu từ nước ngoài ít hơn.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 31/7 đã quyết định tăng lãi suất chính sách lên khoảng 0,25% và giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ xuống còn 3.000 tỷ Yen (khoảng 20 tỷ USD), đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với đồng Yen suy yếu.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định nâng lãi suất ngắn hạn từ mức 0-0,1% trước đó. BoJ cũng sẽ cắt giảm 50% số lượng trái phiếu chính phủ mà ngân hàng trung ương mua vào, với quy mô ở mức 6.000 tỷ Yen mỗi tháng đến tháng 3/2026, xuống còn 3.000 tỷ Yen/tháng.
* Ngày 30/7, Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Nhật Bản cho biết, lượng gạo tồn kho của khu vực tư nhân tại Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu so sánh vào năm 1999 và giảm khoảng 20% so với năm trước. Nguyên nhân là do lượng khách du lịch tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gạo và thời tiết nắng nóng mùa Hè năm ngoái đã ảnh hưởng đến mùa màng.
Với tình hình nhiệt độ cao tiếp tục diễn ra trong mùa Hè này, nhiều ý kiến lo ngại rằng lượng hàng tồn kho có thể tiếp tục giảm và dẫn đến việc giá tăng gạo.
* Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô nước này đã xuất khẩu ô tô chở khách đạt giá trị 17,8 tỷ USD trong quý II/2024, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất theo quý từ trước đến nay và là quý thứ 9 tăng liên tiếp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ô tô tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 33,6 tỷ USD, và cũng là mức kỷ lục trong 6 tháng. Trong khi đó, nhập khẩu ô tô giảm 25,3% xuống 3,4 tỷ USD trong quý II/2024, và là quý thứ 4 liên tiếp giảm.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 27/7, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính bằng cách tăng cường mạng lưới an toàn tiền tệ.
ASEAN+3 đã tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động của Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai, có hiệu lực từ năm 2010 để giải quyết những khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn, nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền để đảm bảo khu vực tiếp tục tăng trưởng kinh tế ổn định.
* Cơ quan quản lý thủ đô Nusantara (OIKN) đã thử nghiệm nguyên mẫu taxi bay tại Sân bay Aji Pangeran Tumenggung ở Samarinda, Đông Kalimantan.
Phó giám đốc chuyển đổi xanh và số của OIKN, Mohamed Ali Berawi cho biết: "Chiếc máy bay không người lái (AUV) đã bay trong khoảng 10 phút ở độ cao 50 mét và tốc độ 50 km/giờ".
Ông giải thích rằng thử nghiệm taxi bay ở Nusantara là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa vận tải hàng không đô thị hiệu quả và thân thiện với môi trường tại Indonesia. Đây là bằng chứng cho cam kết của Indonesia trong việc phát triển công nghệ giao thông trong tương lai.
* Bộ Thương mại Thái Lan ngày 30/7 cho biết, nước này dự kiến xuất khẩu 8,2 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng so với mức dự báo 7,5 triệu tấn trước đó, nhờ nhu cầu gạo từ các thị trường lớn, sản lượng dự kiến cao hơn và đồng nội tệ yếu.
Trong nửa đầu năm 2024, Thái Lan đã xuất khẩu 5,08 triệu tấn gạo, tăng 25% so với một năm trước đó.
Theo Cục trưởng Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, Ronnarong Phoolpipat, sản lượng lúa gạo dự kiến cao hơn trong quý cuối năm do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đã giảm bớt.
* Ngày 31/7, Liên minh thị trường Carbon Singapore (SCMA) - một nền tảng quốc gia giúp “gắn kết” các nhà phát triển dự án tín chỉ carbon với những người mua tiềm năng - đã được ra mắt tại Singapore.
SCMA sẽ giúp khách hàng tìm kiếm nguồn tín chỉ chất lượng cao, xác định các dự án đáng tin cậy vì Liên minh này sẽ xử lý các dự án cung cấp tín chỉ tương thích với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các công ty có trụ sở tại Singapore có thể mua các khoản tín dụng này để thúc đẩy mục tiêu khí hậu và bù đắp một phần thuế carbon.