Kinh tế thế giới nổi bật (29/7-4/8): Nga 'đánh tiếng' về Dòng chảy phương Bắc 2, EU loay hoay giải bài toán khó khí đốt, nhà bán lẻ Mỹ vẫn lạc quan

Xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường năng lượng thế giới lao đao, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu khai thác, ông Putin nói Dòng chảy phương Bắc 2 đã sẵn sàng hoạt động, nhà bán lẻ Mỹ vẫn lạc quan… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Tổng thống Nga Putin nói, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã sẵn sàng hoạt động để giúp tăng nguồn cung cho châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Nga Putin nói, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã sẵn sàng hoạt động để giúp tăng nguồn cung cho châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới Đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái tạo tăng mạnh trong nửa đầu năm nay

Báo The National News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 3/8 dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu BloombergNEF cho biết, đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nửa tháng đầu năm nay tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 226 tỷ USD, giữa lúc giá năng lượng ngày càng gia tăng.

Theo đó, đầu tư toàn cầu vào các dự án năng lượng Mặt trời có quy mô nhỏ và lớn tăng 33% trong giai đoạn từ tháng 1-6/2022, đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD, trong khi đầu tư vào các dự án điện gió tăng 16%, lên 84 tỷ USD.

Trưởng bộ phận phân tích của BloombergNEF Albert Cheung nhận định, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận ra rằng năng lượng tái tạo là chìa khóa để hướng tới các mục tiêu an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định.

Giá dầu thô, vốn tăng 68% trong năm ngoái nhờ kỳ vọng về đà phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến, đã rơi vào tình trạng rất bất ổn trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Giá dầu Brent tăng hơn 28% kể từ đầu năm 2022 sau khi giảm từ mức cao nhất trong 14 năm là gần 140 USD/thùng hồi tháng 4/2022, do tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh, áp đặt đối với dầu thô của Nga.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 6/2022, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay, đầu tư vào ngành năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay, lên 2.400 tỷ USD, nhờ mức đầu tư kỷ lục cho năng lượng sạch.

IEA kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư hướng tới năng lượng sạch, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. (TTXVN)

OPEC+ nhất trí tăng sản lượng

Ngày 3/8, một nguồn tin của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cho biết, nhóm này đã nhất trí nâng mục tiêu sản lượng dầu trong tháng 9 lên 100.000 thùng/ngày.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị về chiến lược sản lượng của OPEC+, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vận động Saudi Arabia tăng sản lượng để kiềm chế giá ngày càng tăng vọt. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Các công ty sở hữu những trung tâm mua sắm lớn nhất tại Mỹ cho biết, nhà bán lẻ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch mở cửa hàng mới dù lo ngại suy thoái gia tăng và lạm phát cao kỷ lục nhiều thập niên khiến ngân sách của khách hàng bị eo hẹp.

Theo số liệu của Coresight Research, các nhà bán lẻ tại Mỹ đã thông báo mở 4.432 cửa hàng mới kể từ đầu năm, trong khi số cửa hàng đóng cửa là 1.954, có nghĩa số cửa hàng mở thêm là 2.478. (CNBC)

* Ngày 29/7, Cơ quan phân tích kinh tế (BEA) của Mỹ công bố số liệu cho thấy giá xăng tăng trong tháng 6 đã thúc đẩy lạm phát tăng cao và làm giảm sức mua của các hộ gia đình ở nước này.

Tính trên cơ sở hằng năm, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 1% trong tháng 6 và tăng 6,8% trong tháng 5. Tỷ lệ lạm phát hằng tháng đã tăng từ 0,6% vào tháng 5 và tỷ lệ lạm phát hằng năm tăng từ 6,3% trong tháng đó. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc đã nhập khẩu 373.000 tấn đồng tinh luyện trong tháng 6/2022 và là mức hằng tháng cao nhất từ đầu năm đến nay. Tổng khối lượng nhập khẩu đồng trong nửa đầu năm của nước này đạt 1,87 triệu tấn, tăng 4,4% so với nửa đầu năm 2021.

Nhu cầu nhập khẩu đồng của Trung Quốc phục hồi dù cho hoạt động sản xuất trong nước trì trệ và sự yếu kém tiếp diễn trong ngành xây dựng quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, các chỉ số vi mô đều cho thấy nền kinh tế số 1 châu Á đang thiếu đồng ngay trong thời điểm này. (Reuters)

* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, nước này cam kết duy trì thanh khoản ổn định và tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong nửa cuối năm nay, trong nỗ lực củng cố động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo PBoC, Trung Quốc sẽ chỉ đạo các tổ chức tài chính tăng cường cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất và sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các tổ chức nước ngoài sẽ được hỗ trợ phát hành trái phiếu bằng đồng NDT (trái phiếu panda) và việc thử nghiệm đồng NDT kỹ thuật số sẽ được mở rộng một cách có trật tự. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt, nhưng để có thể thực thi, các nước thành viên cần có các thỏa thuận song phương nhằm chia sẻ khí đốt và ngay vào lúc này, phần lớn các nước chưa có một thỏa thuận nào như vậy.

Chỉ 6 thỏa thuận đạt được, có nghĩa hầu như 27 nước thành viên chưa đưa ra được các điều khoản chắc chắn về cách thức và khi nào sẽ chia sẻ khí đốt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, hoặc một sự bồi thường về tài chính sẽ nhận được hoặc thực hiện nếu làm như vậy.

Để thực hiện việc chia sẻ như vậy, chính phủ các nước ký kết các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, mới chỉ 8 nước có các thỏa thuận song phương cho đến nay. (AFP)

* Tập đoàn năng lượng quốc doanh Eni của Italy tin rằng, họ sẽ có thể thay thế hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào năm 2025 do sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu đang buộc các nước phải tìm kiếm các nguồn thay thế.

Sau khi ký các thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với các nước Algeria, Ai Cập và CH Congo vào đầu năm nay, Eni nhận thấy các cơ hội nổi lên ở các quốc gia khác bao gồm Libya, Angola, Mozambique và Indonesia, cũng như ở trong nước.

Theo kế hoạch, Algeria dự kiến sẽ cung cấp thêm 6 tỷ m3 khí đốt vào năm 2023, tăng lên 9 tỷ m3 vào năm 2024. (TTXVN)

* Ngày 3/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong cuộc gặp tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rằng, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã sẵn sàng hoạt động để giúp tăng nguồn cung cho châu Âu.

Ông Putin còn nói rằng, nguồn cung khí đốt của Nga đã giảm từ mức 167 triệu mét khối xuống còn khoảng 30 triệu mét khối mỗi ngày, sau khi Ba Lan trừng phạt đường ống Yamal-châu Âu và Ukraine ngừng dòng chảy qua 1 trong những đường ống này. (Reuters)

Mỹ, Canada, Thụy Sỹ liên tiếp bổ sung lệnh trừng phạt lên cá nhân và pháp nhân Nga. (Nguồn: Reuters)

Mỹ, Canada, Thụy Sỹ liên tiếp bổ sung lệnh trừng phạt lên cá nhân và pháp nhân Nga. (Nguồn: Reuters)

* Ngày 2/8, bình luận về gói trừng phạt mới của Mỹ chống Nga, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động thương mại của Nga, tìm cách hất cẳng Moscow khỏi thị trường thế giới.

Trước đó, cùng ngày, Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với một số quan chức, doanh nhân Nga và đại diện lãnh đạo một số vùng của Ukraine do Nga kiểm soát. Những cá nhân này sẽ bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản tại Mỹ, trong khi các công ty và công dân Mỹ cũng bị cấm làm ăn với các đối tác này. (TTXVN)

* Ngày 2/8, thông báo trên trang web của chính phủ Canada cho hay, nước này đã mở rộng danh sách trừng phạt Nga, bao gồm 43 cá nhân và 17 pháp nhân.

Các công dân và pháp nhân Canada bị cấm mọi giao dịch với các công ty và cá nhân này của Nga. (Sputnik)

* Ngày 3/8, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga theo các biện pháp mới nhất của Âu (EU) đối với vàng và các sản phẩm vàng.

Ngoài ra, cơ quan trên cũng cho biết đã áp đặt loại bỏ giao dịch liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp và cung cấp dầu mỏ cho các nước thứ ba, mà EU cũng có, để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào trong các kênh thanh toán. (Reuters)

* Ngày 1/8, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, EU đã bắt đầu gửi cho nước này 1 tỷ Euro (1,03 tỷ USD) hỗ trợ ngân sách và tháo gỡ những khó khăn về tài chính trong bối cảnh xung đột tiếp diễn.

Số tiền là một phần trong gói hỗ trợ có tổng giá trị là 9 tỷ Euro dành cho Ukraine. Khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng cho các ưu tiên ngân sách.

Do ảnh hưởng của cuộc xung đột, Ukraine cho biết ngân sách nước này thiếu hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng và việc vận hành các dịch vụ công đều dựa vào nguồn cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài. Kiev đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ huy động được 20 tỷ USD viện trợ từ các đối tác phương Tây. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Một tiểu ban thuộc Hội đồng Lương tối thiểu Trung ương của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa đạt được đồng thuận về đề xuất nâng lương tối thiểu trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) thêm 31 Yen lên 961 Yen/giờ (tương đương hơn 7,2 USD).

Như vậy, so với tài khóa 2021, mức lương tối thiểu mới tăng 3,3%, cao nhất từ trước tới nay. Mức lương tối thiểu mới này sẽ được áp dụng cho tất cả người lao động, bao gồm cả nhân viên hợp đồng và những người làm việc bán thời gian. (TTXVN)

* Số liệu thống kê mới nhất do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 3/8 cho thấy, dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng vào tháng 7/2022, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 5 tháng nhờ lợi nhuận hoạt động và tiền gửi bằng ngoại tệ đều tăng.

Cụ thể, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 438,61 tỷ USD tính đến cuối tháng Bảy, tăng 330 triệu USD so với tháng trước. (Yonhap)

* Giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 24 năm vào tháng Bảy, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Cụ thể, giá tiêu dùng của nước này trong tháng 7/2022 đã tăng 6,3% so với một năm trước đó, nhanh hơn so với mức tăng 6% vào tháng 6/2022, đồng thời đánh dấu mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ tháng 11/1998, khi lạm phát tiêu dùng tăng 6,8%. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Hàn Quốc duy trì trong phạm vi 6%.

Tháng Bảy vừa qua cũng là tháng thứ 16 liên tiếp giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng trên 2%, mức mục tiêu lạm phát của BoK trong trung hạn. (Yonhap)

Dự kiến, lượng khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ đạt 6 triệu lượt trong năm nay. (Nguồn: Getty)

Dự kiến, lượng khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ đạt 6 triệu lượt trong năm nay. (Nguồn: Getty)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Thái Lan đón 3,12 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 1-7/2022 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đã dỡ bỏ hầu hết những hạn chế về đi lại để kiểm soát dịch Covid-19.

Dự kiến, lượng khách nước ngoài đến Thái Lan đạt 6 triệu lượt trong năm nay, tăng so với ước tính trước đó là 5,6 triệu lượt. Số lượng du khách nước ngoài tới “Xứ sở Chùa vàng” được dự báo sẽ tăng lên 19 triệu lượt vào năm 2023. (TTXVN)

* Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), ngày 2/8, quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên ngưỡng 1,85%.

RBA đã tăng lãi suất 4 tháng liên tiếp và đây cũng là giai đoạn ngân hàng này có tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất trong gần 30 năm qua. (TTXVN)

* Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước trên 5% cho đến quý III/2022 trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Theo giới chức Indonesia, tăng trưởng kinh tế quý II dự kiến trên 5%. Do đó, nếu nền kinh tế trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng này trong quý III thì Indonesia có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5-5,2% vào cuối năm.

Indonesia tiếp tục khuyến khích phát triển nền kinh tế xanh, số hóa nhằm hồi phục và phát triển nền kinh tế bền vững, phấn đấu mục tiêu xóa nghèo cùng cực vào năm 2024. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-297-48-nga-danh-tieng-ve-dong-chay-phuong-bac-2-eu-loay-hoay-giai-bai-toan-kho-khi-dot-nha-ban-le-my-van-lac-quan-193168.html