Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/5): 'Soi' tổng tiền trong Quỹ phúc lợi quốc gia Nga, EU có bước đi lịch sử với khí đốt, Trung Quốc 'thoát' công nghệ Mỹ
EU mời đấu thầu cung cấp khí đốt, Moscow bán vàng và Nhân dân tệ dự trữ, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng vọt, Mỹ nói về món quà cho đối thủ cạnh tranh… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới
Sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp xanh vượt mục tiêu huy động vốn
Ngày 8/5, Mỹ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo, một sáng kiến toàn cầu hướng tới nông nghiệp thân thiện với môi trường do hai nước này cùng điều phối đã huy động được kinh phí tổng cộng 13 tỷ USD.
Từ khi được thành lập năm 2021 đến nay, Sáng kiến Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp để bảo vệ môi trường đã vượt mục tiêu huy động được 10 tỷ USD khi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại UAE tháng 11-12/2023.
Các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ Sáng kiến trên bao gồm phát triển các loại phân bón mới và “xanh” hơn khi sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn trong quá trình sản xuất. Các biện pháp "nông nghiệp tái tạo" cũng được áp dụng lại, nhằm khôi phục đa dạng sinh học của đất, qua đó cải thiện năng suất và khả năng hấp thụ carbon, đồng thời giảm nhu cầu bón phân.
Trong khi đó, các thiết bị trang bị trí tuệ nhân tạo đang được phát triển với các khả năng lấy dữ liệu từ các nguồn khác nhau như vệ tinh và cảm biến mặt đất, giúp ước tính chính xác mức độ carbon của các vùng đất canh tác, từ đó hỗ trợ người nông dân cải thiện chất lượng đất.
Ngoài ra, nỗ lực áp dụng các kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn và chuyển sang trồng các loại cây cần ít nước hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng là một phần của chương trình. (AFP)
Kinh tế Mỹ
Ngày 9/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng, sự vỡ nợ liên bang của Mỹ, nếu xảy ra, sẽ là một món quà cho Trung Quốc, Nga và các đối thủ cạnh tranh khác của Washington.
Theo bà Jean-Pierre, Quốc hội Mỹ phải thực hiện công việc của mình và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang kêu gọi Quốc hội nâng trần nợ quốc gia, theo luật định ở mức 31,4 nghìn tỷ USD. Hồi tháng 1, để tránh vỡ nợ, Bộ Tài chính nước này đã bắt đầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp liên quan đến việc đạt được giới hạn vay, đó là từ chối một số khoản chi ngân sách, có thể hoãn lại sau. (TTXVN)
* Ngày 9/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York John Williams cảnh báo, chính sách “thắt chặt tiền tệ” có thể vẫn duy trì nếu lạm phát cao dai dẳng ở Mỹ không được khắc phục.
Ông Williams cho biết, Fed chưa từng nói rằng đã hoàn tất chu trình tăng lãi suất và các quyết định trong tương lai của cơ quan này phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế thực tế. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 9/5, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2023 đã tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi không đồng đều sau những hạn chế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Dữ liệu hải quan cho thấy, mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2023 chỉ ở mức 8,5%, sau khi bất ngờ tăng 14,8% trong tháng 3/2023.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 4/2023 đã tăng vọt 67,2% so với cùng kỳ năm ngoái, song nhu cầu từ các thị trường khác lại giảm. (AFP)
* Báo cáo, do tờ Wall Street Journal vừa phát hành, cho biết, các công ty Trung Quốc đang nghiên cứu nhiều kỹ thuật mới, cho phép họ đạt được hiệu suất công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất, nhưng sử dụng ít chip hoặc với các loại chip yếu hơn.
Các công ty này cũng đang nghiên cứu cách thức kết hợp các loại chip khác nhau nhằm giảm sự phụ thuộc vào một loại phần cứng duy nhất.
Báo cáo chỉ ra rằng, ba trong số những mục tiêu lớn mà lệnh cấm của chính quyền Mỹ nhắm đến là "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và công ty công nghệ Baidu. Nhiều bằng chứng cho thấy cả ba công ty này đều đang tìm cách nghiên cứu và khai thác nhiều tiện ích hơn từ những chip máy tính hiện có.
Trong ba năm qua, Huawei đã tìm kiếm và thay thế 13.000 linh kiện ngoại nhập bằng các phiên bản nội địa, thành công đối phó với tình trạng thiếu hụt chip do các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ gây ra. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 9/5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, trong bối cảnh EU đàm phán về việc áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 11 nhằm vào Moscow.
Khi được hỏi về đề xuất đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen, bà Baerbock nói rằng, các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng nhìn chung, điều quan trọng là phải ngăn chặn việc vượt qua các biện pháp hạn chế. (Reuters)
* Theo các tác giả của báo cáo từ Tập đoàn tài chính bền vững Oxford công bố hôm 9/5, bằng cách đầu tư vào công nghệ xanh, EU có thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028.
Ngoài các khoản đầu tư được lên kế hoạch theo Thỏa thuận xanh châu Âu, sẽ cần 512 tỷ Euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi này. Do đó, tổng cộng 811 tỷ Euro sẽ được đầu tư, phân chia cho năng lượng tái tạo (706 tỷ Euro) và máy bơm nhiệt (105 tỷ Euro).
Theo ước tính của báo cáo, nhờ các biện pháp khác nhau thay thế khí đốt của Nga, có thể tiết kiệm được 254 tỷ Euro, tương đương khoảng 50% khoản đầu tư bổ sung cần thiết. (TTXVN)
* EU hôm 10/5 đã khởi động cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên để mua chung khí đốt, đáp ứng tổng cầu của khoảng 80 công ty châu Âu, nhằm có được mức giá tốt hơn để bổ sung dự trữ trước mùa Đông năm 2023-2024.
Cơ chế này là một phần trong các biện pháp được Liên minh thông qua vào năm ngoái để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt của Moscow.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic nhấn mạnh: "Đây là một bước đi lịch sử. Chúng tôi đang tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và chống lại giá khí đốt cao".
Đối với lần gọi thầu đầu tiên này, với các đợt giao hàng dự kiến từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu về tổng khối lượng khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt, trong đó 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống. Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga, hiện được mời đáp ứng nhu cầu này bằng cách gửi giá của họ trước ngày 15/5. (TTXVN)
* Theo hãng thông tấn Czech (CTK), Thủ tướng nước này Petr Fiala cho biết, Công ty Mero của Czech và tập đoàn TAL đã nhất trí về dự án mở rộng Đường ống dẫn dầu Transalpine (TAL), dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Theo đó, dự án có giá trị ước tính từ 1,2 tỷ Czk đến 1,6 tỷ Czk, cho phép Prague tăng nguồn cung dầu thô lên 7 đến 8 triệu tấn mỗi năm.
Thủ tướng Fiala đánh giá, dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng của Czech nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. (TTXVN)
* Ngày 5/5, Bộ Tài chính Nga cho biết, đã bán 4,25 tỷ Nhân dân tệ (NDT) và 6,4 tấn vàng từ Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) với tổng số tiền 83 tỷ Ruble để trang trải cho ngân sách. Số tiền thu được đã được ghi có vào tài khoản chung của ngân sách liên bang để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Cũng theo bộ trên, hiện trên tài khoản của NWF có 9,233 tỷ Euro, 288,3 tỷ NDT, 520,9 tấn vàng và 232,8 triệu Ruble. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 9/5, giới chức Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này dự kiến thúc đẩy các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp với các nước tiên tiến để tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kế hoạch này được đưa ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 do Nhật Bản chủ trì tại thành phố Niigata, miền Trung nước này, từ ngày 11-13/5 tới. Dự kiến đây sẽ là một trong các trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị.
Theo một quan chức Nhật Bản, nước này đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không tập trung ở một số quốc gia cụ thể, ví dụ như Trung Quốc. (TTXVN)
* Theo số liệu mới nhất do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) công bố ngày 9/5, tổng tiền lương danh nghĩa bình quân của một lao động trong tháng 3/2023, bao gồm cả tiền lương cơ bản và tiền làm thêm giờ, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 291.081 Yen (tương đương 2.153 USD), đánh dấu mức tăng tháng thứ 15 liên tiếp.
Tuy nhiên, tiền lương thực tế bình quân đã được điều chỉnh theo lạm phát ở nước này lại giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 12 giảm liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ tài khóa 2014 khi Nhật Bản quyết định tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, tiền lương thực tế của người dân nước này giảm liên tục trong suốt một năm tài chính. (TTXVN)
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết, nước này cần đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip do sự phụ thuộc lớn vào sản xuất chip nhớ đã khiến quốc gia Đông Bắc Á dễ bị tổn thương hơn trước chu kỳ của ngành.
Theo KDI, xuất khẩu chất bán dẫn giảm 10% dẫn đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc giảm 0,78%, qua đó cho thấy nước này cần phải duy trì danh mục đầu tư chip ổn định để ứng phó với những bất ổn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc trong tháng 4/2023 đã giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước xuống 49,6 tỷ USD do xuất khẩu chất bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của đất nước, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 10/5, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại thị trấn Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực.
Tuyên bố nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc sử dụng xe điện như một phần trong nỗ lực của ASEAN nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, khử carbon trong giao thông đường bộ, đạt mục tiêu trung hòa carbon, cải thiện an ninh năng lượng ở từng nước và trong toàn khu vực.
Tuyên bố cam kết phát triển hệ sinh thái xe điện khu vực có sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) nhằm hỗ trợ việc sử dụng xe điện và thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện tại các AMS, xây dựng ASEAN thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực. (TTXVN)
* Thái Lan và UAE ngày 9/5 đã công bố khởi động Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa hai nước. Thỏa thuận nhằm tạo cơ hội mới cho thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa Thái Lan và UAE, đưa thương mại song phương tăng 10% trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định.
Trong vòng 3 tháng, 2 bên đã thương lượng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Thái Lan-UAE, với các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra từ ngày 16-18/5 tại Dubai. (TTXVN)
* Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ngày 10/5, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hoan nghênh Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy giao dịch tiền tệ địa phương, đồng thời sẽ tăng cường việc sử dụng đồng nội tệ để hỗ trợ thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong ASEAN.
Ông cho biết, một cơ chế khu vực như vậy sẽ có thể hiểu rõ hơn về thực tế và nhu cầu của các nước thành viên ASEAN, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp hơn. (TTXVN)