Kinh tế thế giới nổi bật: 6 quốc gia EU muốn siết trừng phạt dầu Nga, Trung Quốc có thể bán TikTok tại Mỹ, Malaysia thúc đẩy hợp tác ASEAN-BRICS
Tăng trưởng việc làm của Mỹ gây bất ngờ, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, 6 quốc gia EU muốn siết trừng phạt dầu Nga, Đức tăng trưởng âm năm thứ 2 liên tiếp… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.
Kinh tế thế giới
Triển vọng tích cực cho doanh số xe điện toàn cầu năm 2025
Trong năm 2024, doanh số ô tô điện đã đạt kỷ lục, với mức tăng 25% trên toàn cầu. Doanh số ô tô tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc, nhưng chậm lại ở châu Âu.
Dự báo trong năm 2025, kế hoạch chấm dứt các ưu đãi bán ô tô điện của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tác động đến doanh số bán xe điện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ. Trái lại, việc thắt chặt giới hạn khí thải tại châu Âu có thể giúp thúc đẩy việc tiêu thụ xe điện.
Số liệu do công ty tư vấn Rho Motion của Anh công bố ngày 14/1 cho hay, đã có 17,1 triệu chiếc ô tô chạy bằng pin (không bao gồm xe hybrid) được bán ra trên toàn thế giới trong năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường xe điện thế giới, với 11 triệu xe được bán ra, tăng 40% so với năm 2023. Doanh số bán xe điện cũng tăng tại Mỹ và Canada, tăng 9% lên 1,8 triệu xe. Trong khi đó, tại châu Âu, doanh số bán hàng đã giảm 3% xuống còn 3 triệu xe, sau 4 năm tăng trưởng mạnh.
Theo Rho Motion, chính sách của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong động lực tăng trưởng của mặt hàng này vì xe điện vẫn đắt hơn đáng kể so với các loại khác. Theo đó, việc chấm dứt các ưu đãi của Chính phủ Đức đối với người tiêu dùng đã khiến doanh số bán hàng tại đây giảm mạnh vào năm ngoái, trong khi doanh số lại tăng vọt 21,4 % tại Anh, do các mục tiêu bán hàng được áp lên các nhà sản xuất ô tô.
Kinh tế Mỹ
* Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/1, tăng trưởng việc làm của nước này đã bất ngờ tăng tốc trong tháng 12/2024, giúp thị trường lao động kết thúc năm 2024 với nền tảng vững chắc và củng cố lập trường thận trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Cụ thể, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng trưởng 256.000 việc làm trong tháng 12/2024, cao hơn mức tăng dự báo được nhiều nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó là 160.000 việc làm. Số liệu tăng trưởng việc làm tháng 11/2024 cũng được điều chỉnh với mức tăng 212.000 việc làm.
Tăng trưởng việc làm tăng tốc trong tháng 12/2024 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,1%, từ mức 4,2% của tháng 11, giúp thị trường lao động Mỹ kết thúc năm với nền tảng vững chắc, đồng thời củng cố lập trường thận trọng của Fed trong việc chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Kinh tế Trung Quốc
* Hãng Bloomberg News ngày 14/1 đưa tin các quan chức Trung Quốc đang xem xét khả năng bán hoạt động TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk, trong bối cảnh nền tảng chia sẻ video này đang đối mặt với một đạo luật của Mỹ, theo đó yêu cầu phải chuyển nhượng hoặc đóng cửa TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance, Trung Quốc vào ngày 19/1 tới.
Trích dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg News cho biết, việc bán TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk là một trong các phương án đang được thảo luận tại Bắc Kinh. Hiện giá trị ước tính của TikTok tại Mỹ dao động trong khoảng 40-50 tỷ USD.
* Kết quả khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống mức 4,5% vào năm 2025 và tiếp tục lùi về 4,2% vào năm 2026. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách nước này dự kiến sẽ triển khai thêm các biện pháp kích thích để giảm tác động từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu.
Theo dự đoán trung bình của 64 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm 2024, gần đạt mục tiêu tăng trưởng hằng năm khoảng 5% của chính phủ, nhờ các biện pháp kích thích và xuất khẩu mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng đề xuất tăng mạnh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chuẩn bị quay lại Nhà Trắng vào tuần tới.
Kinh tế châu Âu
* Ngày 13/1, Liên minh châu Âu (EU) công bố gói viện trợ nhân đạo trị giá 148 triệu Euro cho Ukraine và Moldova, nhằm cung cấp lương thực, nước sạch, thuốc men, nơi trú ẩn và dịch vụ y tế cho người dân Ukraine, đặc biệt ưu tiên các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở miền Đông và Nam. Một phần viện trợ cũng dành cho Moldova để hỗ trợ người tị nạn từ Ukraine.
Ủy viên châu Âu Hadja Lahbib đã thăm Ukraine để đánh giá tình hình. EU tiếp tục khẳng định cam kết hỗ trợ nhân đạo cho khu vực.
* EU đang cân nhắc các biện pháp đáp trả sau khi một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy Trung Quốc đã có những hành vi phân biệt đối xử có hệ thống đối với các thiết bị y tế nhập khẩu trong các gói thầu mua sắm công.
Theo báo cáo mới công bố, EC đã đưa ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã hạn chế một cách bất công quyền tiếp cận của các nhà sản xuất thiết bị y tế EU vào các hợp đồng chính phủ.
Các phát hiện này đánh dấu sự kết thúc cuộc điều tra đầu tiên theo Công cụ mua sắm quốc tế (IPI) mới, có hiệu lực từ tháng 8/2022, một công cụ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp châu Âu khi tham gia vào thị trường mua sắm công ngoài EU.
* Sáu quốc gia thuộc EU hôm 13/1 đã kêu gọi EC hạ mức trần giá 60 USD/thùng mà các nước Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt lên dầu của Nga.
Trong một lá thư gửi đến cơ quan hành pháp của EU, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Latvia, Lithuania và Estonia cho biết, các biện pháp nhắm vào doanh thu từ xuất khẩu dầu rất quan trọng, vì chúng làm giảm nguồn thu nhập chủ chốt nhất của Nga. Các nước này tin rằng giờ là thời điểm thích hợp để siết chặt hơn các lệnh trừng phạt bằng cách hạ thấp trần giá dầu của G7.
* Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 15/1 thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,2% trong năm 2024, là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng âm. Trước đó, năm 2023, kinh tế Đức đã giảm 0,3%.
Số liệu thống kê sơ bộ quý IV/2024 cũng cho thấy nền kinh tế Đức đã giảm 0,1% so với quý III/2024. Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua, một phần do giá năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.
* EC đang xem xét lại các cuộc điều tra liên quan đến các công ty công nghệ lớn, gồm Apple, Meta và Google thuộc Alphabet.
Động thái trên được thực hiện trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn kêu gọi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phản đối các biện pháp giám sát với những quy định nghiêm ngặt mà EU đặt ra đối với các công ty này.
Một nguồn tin cho biết, nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Trump là yếu tố được cân nhắc trong quá trình xem xét. Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định chiến thắng của ông Trump không phải lý do chính dẫn đến việc đánh giá lại.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo dữ liệu của ngành ngân hàng, cho vay ngân hàng tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 605.800 tỷ Yen (khoảng 3.845 tỷ USD) vào cuối năm 2024, tăng 4,4% so với năm trước đó.
Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của doanh nghiệp về vốn lưu động trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng và đồng Yen suy yếu, cũng như đầu tư vốn nhanh chóng, chủ yếu là của các công ty lớn. Dữ liệu bao gồm 110 ngân hàng thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản.
* Theo kết quả khảo sát của Reuters Tankan, niềm tin của các nhà chế tạo Nhật Bản đã phục hồi trong tháng 1/2025, sau khi sụt giảm vào tháng trước đó, trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp vật liệu có điều kiện tăng trưởng tốt.
Cuộc khảo sát 505 doanh nghiệp phi tài chính lớn của Nhật Bản cho thấy niềm tin phục hồi rõ rệt nhất ở các ngành công nghiệp thượng nguồn như thép, lọc dầu và hóa chất nhờ nhu cầu toàn cầu tăng, trong khi các ngành khác như sản xuất ô tô và điện tử lại sụt giảm lòng tin trong tháng 1/2025.
Dữ liệu gần đây cho thấy tiền lương của người lao động Nhật Bản tăng trên diện rộng và tỷ lệ lạm phát vẫn trên mục tiêu 2%.
* Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 15/1, chính phủ nước này sẽ chi 1.500 tỷ Won (tương đương 1,02 tỷ USD) trong năm 2025 để khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện (EV).
Động thái này nhằm kích thích phục hồi nhu cầu trong nước đối với xe điện trong bối cảnh doanh số bán hàng chậm lại do lo ngại về an toàn pin và thiếu khả năng tiếp cận các trạm sạc.
Tính đến cuối năm 2024, tổng số xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro đạt 720.000 chiếc, trong đó xe điện chiếm 680.000 chiếc. Doanh số bán xe điện tại Hàn Quốc giảm 9,7% so với cùng kỳ xuống còn 147.000 chiếc vào năm 2024, đánh dấu mức giảm trong năm thứ 2 liên tiếp.
* Tốc độ tăng trưởng việc làm của Hàn Quốc trong năm 2024 đã giảm mạnh. Đáng chú ý, con số này còn giảm xuống mức âm vào tháng 12/2024, khi tình hình chính trị tại Hàn Quốc tiếp tục bất ổn sau sự cố thiết quân luật.
Theo báo cáo “Xu hướng việc làm tháng 12 và cả năm 2024” do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố vào ngày 15/1, số lượng người có việc làm trong năm 2024 là 28,576 triệu người, tăng 159.000 người, tương đương 0,6%, so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng việc làm thấp nhất kể từ năm 2020, thời điểm Hàn Quốc ghi nhận con số âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia có thể đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Đông Nam Á và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Chủ tịch tổ chức tư vấn Emir Research, ông Datuk Rais Hussin, cho biết động thái này sẽ giúp ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn.
* Indonesia đang xem xét kế hoạch giảm thuế quan thương mại đối với Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị tiến hành các chính sách áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Một số sản phẩm của Indonesia từ lâu đã phải chịu thuế nhập khẩu tại Mỹ, báo hiệu mối quan hệ thương mại đầy thách thức, có thể sâu sắc hơn dưới thời chính quyền ông Trump.
Chính phủ Indonesia dự định trình bày kế hoạch này như một phần trong nỗ lực hợp tác song phương rộng lớn hơn nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ sẽ tăng thuế quan dưới sự lãnh đạo của Trump.
* Thái Lan đã thu hút lượng đầu tư kỷ lục trong năm 2024, với các đơn đăng ký vượt quá 1.130 tỷ Baht, mức cao nhất trong thập niên qua.
Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư (BOI) Narit Therdsteerasukdi tiết lộ rằng, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về cả số lượng và giá trị của các đơn đăng ký đầu tư tại Thái Lan, đạt 3.137 dự án - tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ khi BOI thành lập. Giá trị đầu tư tăng vọt 35% lên 1.138 tỷ Baht, đánh dấu con số cao nhất trong một thập niên.