Quy mô nền kinh tế của tỉnh Thái Bình đứng thứ 23 trong cả nước
Nhiều điểm sáng, nhiều ý tưởng và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình được trao đổi, chia sẻ với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trong chương trình họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, mục tiêu năm 2025 và công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo ông Đặng Văn Tính, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm qua cơ bản ổn định và đạt kết quả tích cực. Thu ngân sách nội địa đạt hơn 11.500 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng, riêng thu hút FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp Thái Bình có số doanh nghiệp thành lập mới vượt con số 1.000 doanh nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công cũng là điểm sáng của địa phương khi đứng tốp đầu cả nước.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 7,01% so năm 2023; bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2024 tăng 1,35% so bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố; nông nghiệp chỉ chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 74,7% và thuế sản phẩm chiếm 5,6%.
Về cải cách hành chính, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 86,94%; chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) của Thái Bình xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc); chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc).
Về tinh gọn bộ máy chính trị, đến nay dự thảo đề án đã hoàn thành và báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy lần 2. Dự kiến, tỉnh Thái Bình hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn bộ máy trong tháng 2 năm nay. Sau sắp xếp, Thái Bình sẽ giảm 5 sở, 36 phòng, ban, chi cục.
Sau khi nghe và trả lời các câu hỏi của cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm phát biểu kết luận buổi họp báo, trong đó ghi nhận và đánh giá cao hoạt động tác nghiệp trên địa bàn trong năm qua của báo chí.
Đồng chí nhấn mạnh, đã có nhiều bài báo hay, nhiều thông tin tích cực nêu bật những việc đã làm được của tỉnh; đồng thời đối với những vấn đề phát sinh, tồn tại ở địa phương cũng được các nhà báo, phóng viên đưa tin kịp thời, chính xác góp phần định hướng dư luận.
Trao đổi thêm với các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, năm qua, địa phương đã hoàn thành 15/20 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 đề ra; tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào địa bàn; ngoài tập trung phát triển Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh chỉ đạo quyết liệt dự án Khu công nghiệp VSHIP, Khu công nghiệp Hải Long, Nhà máy Nhiệt điện LNG…
Bước sang năm 2025, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành; đoàn kết, tập trung trí tuệ, bám sát tình hình thực tiễn. Trong đó, sẽ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính toàn diện, đột phá, tháo gỡ các rào cản, giải quyết các điểm nghẽn, chuẩn bị các điều kiện vật chất để Thái Bình bứt phá, đi lên. Theo đó, trong năm nay phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt mức 2 con số (10,5% trở lên) để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Để Thái Bình phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu nhà nước thu hồi đất. Đây là nút thắt cần giải quyết ngay tạo mặt bằng cho nhà đầu tư vào thực hiện các dự án lớn thúc đẩy phát triển.
Về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tỉnh Thái Bình chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, thuần phong, mỹ tục, tập quán của địa phương. Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương để tổ chức bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa bảo đảm toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.