Kinh tế Thông tin thị trường Đưa hàng địa phương vào siêu thị - kỳ 2: Tạo mối gắn kết giữa 'hai nhà'
Trong mối quan hệ cung cầu luôn cần có sự đối trọng, hài hòa. DN muốn vươn xa cần phải đổi mới, cải tiến để tận dụng tối đa khâu trung gian chính là nhà phân phối để sản phẩm tiêu thụ mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
"Ưu ái" hàng địa phương
Qua khảo sát về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2016, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hình thức bán lẻ tại nhà phổ biến nhất với bình quân các sản phẩm là 28,8%; đặt hàng, giao hàng tận nơi 18,1%; trong khi đó sản phẩm bán tại các đại lý siêu thị chiếm tỷ lệ dưới 5%.
Phải nhìn nhận một điều, việc mở rộng thị trường giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập và mở rộng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN. Mặc dù quan hệ giữa nhà cung cấp và nhà phân phối luôn phải đồng hành, không thể thiếu nhau, nhưng điều nhà phân phối cần là khai thác và ký kết với nhà cung cấp uy tín, chuyên nghiệp và quan trọng hơn hết là hiệu quả kinh doanh; trong đó phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Về phía nhà cung ứng, muốn giữ vững được thị trường và tiếp cận các thị trường mục tiêu đòi hỏi phải đổi mới và phát triển quy mô, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu.
Dù sản phẩm đã vào các kênh siêu thị, nhưng quyết định sự thành công chính là lựa chọn của người tiêu dùng. Vì thế, DN cần tập trung vào khâu chăm sóc, giới thiệu, quảng bá về sản phẩm để khách hàng biết được giá trị, chất lượng và chỗ đứng của sản phẩm mình trên kệ siêu thị.
Theo đại diện các siêu thị lớn trên địa bàn, điểm lợi thế là sản phẩm địa phương hiện đã có trên kệ chính và được dành ở vị trí các đầu quầy để trưng bày những sản phẩm địa phương.
Siêu thị Big C Huế còn dành riêng 2 dãy kệ tại khu vực trà, cà phê để bày bán một số sản phẩm địa phương, giúp khách hàng có thêm lựa chọn, nhu cầu mua làm quà tặng. Điều này cho thấy các siêu thị rất "ưu ái" cho hàng hóa địa phương và cần sự hợp tác ăn ý, thực hiện đúng cam kết trong khâu cung ứng.
Việc thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân và các HTX với chiết khấu 0% cũng là chính sách nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương đang được Big C thực hiện. Mặc dù việc thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân khó hơn nhiều so với thu mua từ thương lái hay các nhà cung cấp lớn, nhưng siêu thị sẵn sàng thu mua nông sản tại chỗ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Chương trình "Sinh kế cộng đồng" hỗ trợ nông dân vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững được Big C Huế thực hiện đối với sản phẩm chuối già lùn của các hộ nông dân ở A Lưới. Để thực hiện tốt chương trình này, Big C đã hỗ trợ đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn sản phẩm, maketing, đóng gói sản phẩm theo yêu cầu thị trường và luật định, các quy trình và hướng dẫn cho việc cung ứng hàng hóa, hồ sơ pháp lý cho sản phẩm và giúp nông dân lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Phá thế sản xuất nhỏ lẻ
Luôn giữ hình ảnh là siêu thị của người Việt, ngoài đối tác địa phương hiện có, bà Dương Thị Tuất, Giám đốc Siêu thị CoopMart Huế cho hay, đơn vị đang phối hợp với các sở, ban, ngành khai thác các nguồn hàng tại địa phương để gia tăng sản lượng cũng như số lượng nhà sản xuất tại Thừa Thiên Huế, tạo sự phong phú về số lượng cũng như chất lượng về hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Thực hiện chiến lược "nội địa hóa" trong siêu thị, CoopMart đã ưu tiên nhập hàng, dành diện tích, vị trí trưng bày, hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới; khuyến khích nhà sản xuất cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng, đa dạng thêm sản phẩm và đưa ra giá bán tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm của tỉnh đã đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối uy tín như: siêu thị Co.opMart miền Trung, Big C Việt Nam, siêu thị Aeon Citimart, siêu thị LotteMart, siêu thị Tứ Sơn (An Giang), siêu thị SatraFood...
Tiếp tục mở rộng thị trường, tăng cả về số lượng và chất lượng tại các kênh phân phối trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, việc cần làm bây giờ là các DN, cơ sở sản xuất, địa phương đẩy nhanh, đẩy mạnh thực hiện đề án chương trình OCOP (Chương trình quốc gia "Mỗi xã, phường một sản phẩm"). Vì một khi sản phẩm được chứng nhận OCOP tức đã được chuẩn hóa, dễ dàng vào hệ thống các siêu thị hay xuất khẩu ra thị trường ngoại địa.
Theo điều tra khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các địa phương, trong tổng số 5.552 tổ chức, cơ sở sản xuất, chỉ có 7 công ty cổ phần, công ty TNHH (chiếm 0,12%); 14 DN tư nhân (chiếm 0,25%); 25 HTX (chiếm 0,45%); 2 tổ hợp tác (chiếm 0,04%); còn lại hộ gia đình sản xuất chiếm 99,14%. Để phá thế sản xuất quy mô nhỏ và hình thành thương hiệu sản phẩm, việc liên doanh, liên kết giữa các cơ sở sản xuất cũng như chuỗi liên doanh liên kết từ sản xuất, cung ứng đến bao tiêu sản phẩm cần được thực hiện.