Kinh tế Thông tin thị trường Thị trường xăng dầu Huế: Đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng
TTH - Thông tin một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu (XD) trên địa bàn tỉnh nghỉ bán, hoặc chuyển sang bán dầu khiến nhiều người lo lắng thị trường XD Huế đã có dấu hiệu bất ổn, nguy cơ dẫn đến 'hiệu ứng domino' theo chiều hướng tiêu cực như ở một số tỉnh, thành thời gian qua…
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 132 tổ chức kinh doanh XD, trong đó 129 cửa hàng với trên 700 cột bơm đang hoạt động bình thường; 5 cửa hàng còn lại ngừng kinh doanh hoặc chuyển sang chỉ bán dầu DO 0,05S (diesel).
Qua tìm hiểu, cửa hàng XD Ngô Đồng (A Lưới) ngừng kinh doanh do đang trong quá trình chuyển đổi chủ sở hữu. Cửa hàng XD Điền Hương (Phong Điền) quy mô nhỏ, đã nghỉ bán từ lâu, doanh nghiệp hiện đang hoàn tất hồ sơ xin giải thể doanh nghiệp.
Ba cửa hàng còn lại, gồm: cửa hàng XD Hưng Phát (TP. Huế), cửa hàng XD Phong An (Phong Điền) và cửa hàng XD bến xe phía Bắc (TP. Huế) ngưng bán xăng A95, chỉ bán dầu diesel.
Lý do chung của 3 cửa hàng này đưa ra là vừa qua, nguồn xăng dầu trên địa bàn khu vực miền Trung rơi vào tình trạng khan hàng, không có hàng, hoặc nếu có cũng rất nhỏ giọt dẫn đến đầu mối không đủ nguồn để cung ứng, khiến những đơn vị này buộc phải dừng bán xăng RON95-III và chuyển sang bán dầu diesel.
“Trước đây, cửa hàng bán 2 chủng loại: xăng RON95-III và dầu diesel. Gần đây, tình trạng đầu mối không đủ nguồn hàng để cung ứng khiến cửa hàng phải dừng bán xăng RON95-III. Và từ ngày 5/11, lượng xăng RON95-III tại cửa hàng đã hết, chỉ còn dầu DO diesel. Chúng tôi đã liên hệ, tiếp tục đặt hàng, dự kiến từ đây đến ngày 25/11 sẽ có xăng để bán. Trong khoảng thời gian này, cửa hàng đã gửi tờ trình và đề nghị các cấp có thẩm quyền cho cửa hàng tạm thời dừng bán xăng RON95-III”, ông Lê Như Thục – đại diện cửa hàng XD bến xe phía Bắc thông tin.
Với lý do tương tự, bà Huỳnh Thị Anh Thi – đại diện cửa hàng xăng dầu Phong An cho hay, ngày 8/11, đơn vị đã làm tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền cho cửa hàng xăng dầu Phong An tạm thời dừng bán mặt hàng xăng RON95-III và chuyển sang bán dầu diesel.
Ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đánh giá, những thay đổi của 5 cửa hàng XD nêu trên không ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như không đủ sức để tác động tiêu cực đến thị trường XD trên địa bàn tỉnh.
“Đơn cử như cửa hàng xăng dầu bến xe phía Bắc, tạm xem là một trong những cửa hàng XD lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quanh khu vực này, ngoài 2 cửa hàng thuộc hệ thống Petrolimex còn có 4 cửa hàng XD thuộc hệ thống khác. Khu vực các cửa hàng còn lại cũng tương tự. Nói chung, “mợ đi lấy chồng chợ vẫn cứ vui”, nguồn xăng phục vụ thị trường Huế hiện vẫn ổn định, không đáng lo ngại”, ông Sơn khẳng định.
“Mới đây có thời điểm xảy ra thiếu hụt nguồn hàng dự trữ ở kho cảng XD tại Chân Mây (Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô). Tuy nhiên, nhờ vào nguồn cung ổn định từ nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) nên tình trạng này nhanh chóng được khắc phục. Kết hợp với cụm kho có lượng hàng dự trữ dồi dào của các DN đầu mối ở Đà Nẵng, như: Petrolimex, Quân đội…, đến thời điểm này, có thể khẳng định, thị trường XD Thừa Thiên Huế vẫn đang trong thế chủ động”, ông Phan Hùng Sơn thông tin thêm.
Liên quan đến chỉ đạo của Bộ Công thương và Tổng cục QLTT, yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối ký biên bản cam kết đảm bảo cung ứng XD cho các cửa hàng bán lẻ, hoàn thành trước ngày 16/11, ông Phan Hùng Sơn thông tin, trong ngày 15/11, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết và cung cấp thông tin đường dây nóng đối với 100% DN thành viên, chi nhánh của các thương nhân đầu mối có trụ sở chính trên địa bàn.
Theo đó, Công ty XD Thừa Thiên Huế; Chi nhánh Công ty CP XD dầu khí PV OIL miền Trung tại Thừa Thiên Huế; Công ty CP Vận tải & Dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên Huế cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh XD; chủ động nguồn hàng, đảm bảo cung cấp đầy đủ, không để gián đoạn nguồn cung XD đối với các cửa hàng bán lẻ trực thuộc công ty và trong hệ thống phân phối; không vận chuyển, kinh doanh, buôn bán XD nhập lậu, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không thực hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm thu lợi bất hợp pháp…