Kinh tế Tiền Giang sẵn sàng bứt phá - Bài 1: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Bước vào năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI - bức tranh kinh tế - xã hội của Tiền Giang tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo đà cho tỉnh phấn đấu tăng trưởng đạt mức từ 8% trở lên.
Trải qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, song với những giải pháp quyết liệt cùng sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, kinh tế Tiền Giang đã từng bước phục hồi tích cực.
Trong năm 2024, kinh tế của Tiền Giang gần như phục hồi hoàn toàn và tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả khởi sắc trong những tháng đầu năm 2025. Đây là nền tảng quan trọng để Tiền Giang tiếp tục bứt phá đi lên.
ĐIỂM SÁNG THU HÚT ĐẦU TƯ
Theo đánh giá chung, kinh tế Tiền Giang đã có nhiều gam màu sáng. Một trong những điểm nhấn nổi bật của tỉnh về sự phục hồi và phát triển kinh tế là lĩnh vực thu hút đầu tư. Song song với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, việc tập trung đầu tư vào hạ tầng phục vụ công nghiệp cũng đã góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh của Tiền Giang, tạo nền tảng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang.
Dấu hiệu tích cực cho thấy, Tiền Giang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, với những con số minh chứng rõ nét hơn. Theo đó, năm 2023, tỉnh Tiền Giang thu hút được 17 dự án mới, với tổng mức đầu tư 7.830 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án trong nước và 6 dự án FDI; có 9 dự án đăng ký tăng vốn mới, với tổng mức đầu tư 3.559 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, tỉnh Tiền Giang thu hút đầu tư 18 dự án mới, với tổng mức đầu tư 10.335 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án trong nước và 7 dự án FDI; có 14 dự án đăng ký tăng vốn mới, với tổng mức đầu tư 9.998 tỷ đồng.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tiền Giang đã và đang được đánh giá tốt từ cộng đồng doanh nghiệp. Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước 1 là dự án mà tỉnh vừa thu hút đầu tư trong năm 2024 do Công ty cổ phần IDICO Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh, trong quý I-2025, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.630 tỷ đồng, đạt gần 44% dự toán năm, tăng hơn 35% so cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, với 240 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I, tăng 12% so cùng kỳ. Toàn tỉnh thu hút đầu tư được 10 dự án mới (tăng 7 dự án so cùng kỳ), với vốn đăng ký hơn 434 tỷ đồng; có 5 dự án đăng ký tăng vốn, vốn đăng ký là 978 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so cùng kỳ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 22.659 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 1,5% so cùng kỳ; khách du lịch tăng 2,7%...
Ông Vũ Đình Thắng, Phó Tổng Giám đốc IDICO cho biết, doanh nghiệp nhận thấy tỉnh Tiền Giang có lợi thế rất lớn để phát triển trong lĩnh vực công nghiệp. Trong đó, điểm nổi bật là môi trường đầu tư minh bạch, chính quyền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành và kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh còn có lợi thế về dư địa quỹ đất KCN, đặc biệt là tại huyện Tân Phước.
Ngoài ra, Tiền Giang còn có lợi thế về nguồn nhân lực; hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy liên kết vùng ngày càng thuận lợi; suất đầu tư dự án cạnh tranh tương đối lớn so với các tỉnh miền Tây Nam bộ… “Hiện IDICO đang nỗ lực phối hợp với Ban Quản lý KCN tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Tân Phước và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục đầu tư Dự án KCN Tân Phước I với quy mô 470 ha.
Doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển KCN Tân Phước 1 trở thành KCN hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, xanh - sạch - đẹp, đảm bảo sinh thái, thân thiện môi trường; trong đó, sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan để khởi công dự án trong quý IV-2025, thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong quý I-2026. IDICO đặt mục tiêu lấp đầy KCN Tân Phước 1 trong năm 2030, thu hút đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD và đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp cũng sẽ tham gia phát triển một số dự án nhà ở xã hội tại huyện Tân Phước với quy mô tối thiểu 40 ha” - ông Vũ Đình Thắng thông tin thêm.
Song hành cùng công tác thu hút đầu tư, tình hình phát triển mới doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả ấn tượng. Dù đại dịch Covid-19 đã gây ra sự giảm sút trong số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021, nhưng nhờ vào các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ và sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, Tiền Giang đã nhanh chóng phục hồi và duy trì mức độ tăng trưởng doanh nghiệp.
Từ năm 2022 đến năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh đã có sự phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế tỉnh đã bắt đầu trở lại ổn định. Theo đó, năm 2023, Tiền Giang có 875 doanh nghiệp thành lập mới, sang năm 2024 là 927 doanh nghiệp. Các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ và dịch vụ tiếp tục là những lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nguồn lực dồi dào cho sự phát triển bền vững.
Thật ra, việc tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh, bên cạnh cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, còn được khơi nguồn từ các chính sách căn cơ, bài bản thông qua các kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cùng với sự đồng hành xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
ẤN TƯỢNG XUẤT KHẨU
Một minh chứng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của Tiền Giang trong những năm qua thông qua kết quả xuất khẩu ấn tượng. Tất nhiên, đây là “quả ngọt” từ việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư mà Tiền Giang đã kiên trì thực hiện trong thời gian dài vừa qua. Phân tích thêm về yếu tố này, theo lãnh đạo Sở Tài chính, giai đoạn 2010 - 2019, tỉnh Tiền Giang đã có sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong suốt 10 năm.

Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm.
Điều này phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thực tiễn xuất khẩu cũng cho thấy, các ngành như chế biến thực phẩm, thủy sản, gạo và trái cây xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Tiền Giang. Chưa kể, giai đoạn 2020 - 2021 là thời gian đầy thử thách đối với xuất khẩu của Tiền Giang, khi dịch bệnh làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn chế sản xuất và vận chuyển.
Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang đã vượt qua được những khó khăn này và phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 - 2024. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Tiền Giang đã chứng kiến một sự phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh từ 3,107 tỷ USD năm 2021 lên 6 tỷ USD năm 2024.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có giá trị gia tăng cao như thực phẩm chế biến, gạo, trái cây, thủy sản. Đồng thời, Tiền Giang cũng tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2010 - 2019, GRDP của tỉnh thường xuyên duy trì ở mức tăng trưởng dương, dao động từ 4,8% - 10,6%.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, GRDP tỉnh chỉ tăng 0,3% vào năm 2020 và giảm -0,9% trong năm 2021. Sau đại dịch, từ năm 2022 đến 2024, GRDP phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,02% năm 2022, 5,7% năm 2023 và 7,02% năm 2024.
Như vậy, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế Tiền Giang nói chung và các khu vực kinh tế nói riêng đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong 3 năm gần đây (2022 - 2024).
Tăng trưởng GRDP phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong khu vực 2 và khu vực 3. Các khu vực này đóng vai trò quan trọng và có mức độ phục hồi nhanh hơn khu vực 1, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
Nhìn trên bình diện chung, Tiền Giang đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu đã tác động tích cực vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2019, thu ngân sách của tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định và bền vững nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Điều này góp phần quan trọng giúp tỉnh duy trì nguồn thu ngân sách.
Tuy đại dịch Covid-19 đã gây ra sự giảm sút đáng kể trong thu ngân sách vào năm 2020 và 2021, song các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và sự phục hồi dần của nền kinh tế đã giúp tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Từ năm 2022, thu ngân sách bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế tỉnh Tiền Giang đã quay lại guồng máy tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng có những chiến lược thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ để tăng trưởng thu ngân sách trong dài hạn. Kết quả cụ thể cho thấy, năm 2023, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt hơn 10.226 tỷ đồng, năm 2024 đạt trên 11.384 tỷ đồng.
A.P - A. THƯ
(còn tiếp)