Kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái vào năm 2024
Một số ngân hàng lớn dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ chậm lại vào năm 2024 do lãi suất cao, giá năng lượng cao hơn và những bất ổn ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp việc các ngân hàng nhận thấy có ít khả năng xảy ra suy thoái.
Cụ thể, một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của Reuters cho thấy, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay và dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm tới.
Theo kết quả của cuộc thăm dò, tuy nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái, châu Âu và Vương quốc Anh vẫn có thể chứng kiến tình trạng suy thoái nhẹ.
Một “sự hạ cánh nhẹ nhàng” đối với Mỹ vẫn đang nằm trong kế hoạch, mặc dù sự không chắc chắn xung quanh lộ trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã che mờ triển vọng. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ yếu đi, khi các công ty toàn cầu tìm kiếm các thị trường thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nước này đối với các dịch vụ như sản xuất.
Với việc giảm lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, rằng nếu họ quá dễ dãi với chính sách tiền tệ, lạm phát có thể quay trở lại. Nhưng nếu các ngân hàng tiếp tục thắt chặt chính sách, điều này có thể gây ra suy thoái kinh tế.
Khi các ngân hàng trung ương đang cố gắng thực hiện “một cuộc hạ cánh mềm”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định, những nỗ lực của họ sẽ đi kèm với sự đánh đổi rằng tăng trưởng sẽ mờ nhạt vào năm 2024 và 2025, đặc biệt là ở các thị trường phát triển.
“Trên toàn cầu, lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng việc vượt qua giai đoạn cuối cùng sẽ không xảy ra cho đến năm 2025 và có thể sẽ cần một thời kỳ tăng trưởng dưới mức trung bình”, Seth Carpenter, Trưởng nhóm kinh tế trưởng toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết.
Trở lại mục tiêu
Vào năm 2023, các ngân hàng trung ương đã thành công trong việc giảm mức tăng giá bằng cách tăng lãi suất, làm chậm tốc độ lạm phát xuống mức một chữ số. Bước sang năm 2024, lạm phát sẽ tiếp tục giảm ở các thị trường phát triển, trong khi các thị trường mới nổi có thể sẽ chứng kiến tốc độ lạm phát giảm dần do sự biến động của giá lương thực và năng lượng.
Sự suy giảm của lạm phát vào năm 2024 sẽ diễn ra từ từ hơn nhiều so với năm 2023, do lạm phát gần đạt đỉnh, nhưng chưa hoàn toàn đạt đỉnh, chuyên gia Seth Carpenter nhận xét.
Triển vọng tăng trưởng hỗn hợp
Nhìn chung, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng tăng trưởng ở các thị trường phát triển vẫn sẽ ở mức yếu, đồng hành cùng bức tranh hỗn hợp về tăng trưởng ở các thị trường mới nổi.
Cụ thể, ở Mỹ, vào năm 2024, tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 1,9%, giảm so với mức ước tính vào khoảng 2,4% vào năm 2023, do lãi suất cao hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ tác động đến hệ thống tài chính. Thêm vào đó, các nhà kinh tế cũng dự đoán chi tiêu tiêu dùng của Mỹ sẽ bắt đầu chậm lại vào năm 2024 và 2025, do thị trường lao động hạ nhiệt, gây áp lực lên thu nhập khả dụng thực tế và lãi suất tăng cao, qua đó tăng thêm áp lực lên chi phí dịch vụ nợ. Trong số những điểm sáng, có thể kể đến là đầu tư kinh doanh cuối cùng sẽ chuyển biến tích cực vào nửa cuối năm 2024, sau 2 năm suy giảm.
Khu vực đồng Euro có thể đạt mức tăng trưởng 0,5% vào năm 2024, qua đó phản ánh những tác động đang diễn ra của các cú sốc về nguồn cung năng lượng, đặc biệt là ở Đức.
Đến năm 2025, tăng trưởng của khu vực có thể tăng 1% nhờ lạm phát giảm và thị trường việc làm kiên cường, có thể nâng cao thu nhập, vốn được điều chỉnh theo lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng.
Vương quốc Anh có thể sẽ gặp phải lực cản trong thời gian ngắn sau các cuộc đình công về chăm sóc sức khỏe và giao thông. Đến đầu năm 2024, nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật với mức tăng trưởng 0,5% sẽ được nhìn thấy vào cuối năm, đến năm 2025 sẽ tăng lên 1%.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi sẽ thể hiện một bức tranh hỗn hợp, với sự mở rộng ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Cùng lúc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ảm đạm. Các nhà kinh tế cho rằng nước này sẽ trải qua con đường khá gập ghềnh để trở lại mức tăng trưởng ổn định, nhưng họ cũng kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng bằng các chính sách kích thích nền kinh tế.
Đối với Nhật Bản, tăng trưởng tiền lương và lạm phát trong nước mạnh mẽ sẽ giữ mức tăng trưởng GDP danh nghĩa chạm mốc 3,6% vào năm 2024. Tăng trưởng GDP thực tế (sau khi tính đến lạm phát) sẽ là 1% vào năm 2024 và 1,1% vào năm 2025.
Tại Trung Âu, Trung Đông và châu Phi, các nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi, với mức tăng trưởng được nhìn thấy là 3,4% vào năm 2024. Trong khi đó tăng trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chậm lại, Hungary, Cộng hòa Séc sẽ tăng lên. Tại Israel, tác động của xung đột ở Gaza sẽ khiến tăng trưởng của nước này bị hạn chế đến quý 4/2023, sau đó sẽ phục hồi nhanh chóng trong 3 tháng đầu năm 2024…
Trước những phân tích và dự báo được đưa ra, Chuyên gia Seth Carpenter cho rằng, mặc dù suy thoái kinh tế vẫn là rủi ro ở khắp mọi nơi, song bất kỳ cuộc suy thoái nào nằm trong kịch bản cơ bản được đưa ra đều sẽ không nghiêm trọng, bởi lạm phát đang giảm.