Kinh tế toàn cầu đang 'nhúc nhích'
Lạm phát toàn cầu theo chiều hướng hạ nhiệt, lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên đà phục hồi sau đại dịch. Nhưng kinh tế thế giới vẫn đối diện rủi ro. Đó là đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bản báo cáo cập nhật hết tháng 7/2023.
Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu năm 2021 là 6,3%; năm 2022 tụt xuống mức 3,5%; năm 2023 dự báo 3%. Sự phục hồi chung của kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào các đầu tàu kinh tế, trong đó động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rất được chú ý khi đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm và đây đã là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ tháng 3/2022.
Một “đầu tàu” khác cũng đặc biệt quan trọng với kinh tế thế giới, là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đóng góp tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu. Thực tế cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực cho thế giới thấy rằng họ đang tạo môi trường cạnh tranh ngày càng công bằng giữa các thành phần kinh tế, trong đó có cả đầu tư nước ngoài, dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ tốt hơn.
Tới đầu tháng 8, giới chuyên gia tài chính cho rằng lạm phát đã hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Ông Daniel Leigh - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới thuộc IMF, nhận xét: Nền kinh tế toàn cầu tăng chậm nhưng có khả năng phục hồi khi mà các lĩnh vực dịch vụ và du lịch hoạt động mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn thấp hơn mục tiêu 3,8% kỳ vọng được đưa ra hồi đầu năm.
Trong khi đó, Pierre Olivier Gourincha - Kinh tế trưởng IMF cho rằng, nếu chúng ta chỉ nhìn hẹp vào cuộc chiến chống lạm phát sẽ thấy điều đó đang đè nặng lên tăng trưởng và như thế sẽ mất khoảng một năm rưỡi nữa kinh tế thế giới mới hồi phục hoàn toàn, khi mà hợp tác đa phương vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo một nền kinh tế an toàn và thịnh vượng.
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc IMF cũng cho rằng kinh tế thế giới đã ghi nhận một số khả năng phục hồi bất chấp những cú sốc liên tiếp trong những năm qua và lãi suất tăng nhanh. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn vẫn còn yếu. Từ đó, bà Georgieva kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 - nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - chuyển nền kinh tế toàn cầu “sang con đường trung hạn sôi động hơn".
Tuy vậy, tại thời điểm này lại xuất hiện 2 yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng toàn cầu. Thứ nhất, đó là việc Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm ngừng xuất khẩu lương thực, đã đẩy giá lương thực tăng 15% ngay trong tuần đầu tháng 8. Thứ hai, sau động thái cắt giảm sản lượng của Arab Saudi, giá dầu thô thế giới đã bật tăng trở lại, trên dưới 17%.
Chính vì thế, lạm phát được cho vlà sẽ vượt mức mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương trong năm 2023. Lạm phát trên toàn cầu dự kiến sẽ chỉ giảm từ 7,5% trong năm 2022 xuống 5,2% trong năm 2023, kể cả lạm phát tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hạ nhiệt.
Với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới được cho là khả quan hơn. Bà Meipuru, nhân viên trông giữ trẻ ở ngoại ô Tokyo cho biết, người dân đã không còn phải tằn tiện, không còn phải quá lo xa, bằng chứng là giới trẻ đã trở lại “nhịp điệu sống” của họ. Nhà hàng ăn, siêu thị, rạp chiếu phim đã đông hơn. “Con tôi trở về nhà muộn hơn so với trước, chứng tỏ cuộc sống bên ngoài có nhiều niềm vui” - bà Meipuru nói. Còn ông Kenji, nhân viên sửa ống nước đã nghỉ hưu gần 10 năm cho biết, các chủ doanh nghiệp nhỏ bây giờ sẵn sàng đón nhận lao động cao tuổi vì công việc đã nhiều lên. “Mỗi ngày tôi làm thêm 5 giờ, thu nhập nhờ đó cũng tăng lên và nhất là cuộc sống của bản thân cũng thấy ý nghĩa hơn” - ông Kenji nói.
Nước Đức, nền kinh tế dẫn đầu châu Âu, cho dù cũng phải đương đầu với một mùa hè nóng bỏng nhưng các hoạt động kinh tế cũng đã “nhúc nhích” đi lên. Lovelyn Enebechi, nữ sinh viên đại học năm thứ hai ở Berlin cho biết, bạn bè trong trường không còn quá lo về chi phí đến từ gia đình. “Hàng tháng chúng tôi nhận được tiền từ gia đình nhưng không còn kèm theo lời dặn dò hay tiếng thở dài của cha mẹ nữa” - cô cho biết.
Abelard, làm nghề lái taxi ở Dresden kể rằng, mấy tháng trước anh rất nhàn rỗi vì ít khách du lịch. “Bây giờ thì khá hơn nhiều rồi. Trung bình mỗi ngày tôi chạy được 15 chuyến. Với tôi, thế là đủ” - Abelard nói.
Tại Mỹ, cho dù vẫn còn khó khăn nhưng giá nhà đã tăng mạnh bất chấp lãi suất ngân hàng được người dân cho là “chưa phù hợp”. Sam Hall, làm nghề môi giới bất động sản cho biết khả năng chi trả của người dân đã tăng lên và tâm lý người mua nhà cũng đã ổn định.
“Bây giờ việc môi giới để bán được một căn nhà giá khoảng 700.000 USD ở California không còn quá khó vì khách mua đã hết nhăn nhó khi phải xuống tiền” - anh Hall cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức 2,1%; cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng 1 đầu năm; tuy nhiên vẫn thấp hơn dự báo của IMF là 3%. Về tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 được WB dự báo đạt mức 1,1%. Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 dự kiến đạt 5,6% cũng cao hơn so với mức dự báo 4,3% đưa ra trước đó. Trong khi đó tăng trưởng năm 2023 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được nâng lên mức 0,4%. Báo cáo lưu ý tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te-toan-cau-dang-nhuc-nhich-5725081.html