Kinh tế toàn cầu kiên cường trước nghịch cảnh thuế quan

Thương mại, sản xuất và các yếu tố quan trọng khác của nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ sự kiên cường gần bốn tháng sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối thuế đối ứng.

Tàu container cập bến ở cảng Long Beach, bang California, Mỹ. WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay tăng trưởng 0,1% , thay vì giảm 0,2% như dự báo trước đây. Ảnh: offshorewind.bizx

Tàu container cập bến ở cảng Long Beach, bang California, Mỹ. WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay tăng trưởng 0,1% , thay vì giảm 0,2% như dự báo trước đây. Ảnh: offshorewind.bizx

Kinh tế thế giới tăng trưởng khả quan

Theo ngân hàng JPMorgan, bất chấp làn sóng thuế quan của Mỹ, nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng với tốc độ 2,4% hàng năm trong nửa đầu năm nay, phù hợp với xu hướng tăng trưởng trong dài hạn

Đối mặt với tình trạng bất ổn cực độ, các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên với khả năng phòng ngừa rủi ro, tìm ra giải pháp ứng phó tgrong ngắn hạn trong khi chờ đợi sự rõ ràng về chính sách thuế quan sau cùng của Mỹ.

Các nhà sản xuất trên toàn cầu đã đẩy nhanh hoạt động mua hàng và chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ thông qua các quốc gia thứ ba chịu mức thuế thấp hơn. Các nhà phân tích cho biết, phần lớn các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu và đầu tư bất chấp sự bất ổn.

Thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã phục hồi lên mức cao kỷ lục và dự báo tăng trưởng của châu Âu đến châu Á đang được nâng lên.

Theo ngân hàng Goldman Sachs, đầu tư, việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chi tiêu và hoạt động kinh tế tổng thể trên toàn cầu đều được duy trì.

Điều này phần nào đó là nhờ các bài học mà doanh nghiệp rút ra được và những thay đổi được thực hiện từ thời kỳ đại dịch Covid-19. Chẳng hạn như các hoạt động bảo vệ chuỗi cung ứng,vốn làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp thời điểm đó, nhưng hiện đang mang lại hiệu quả. Nhiều chính phủ bao gồm Mỹ và Đức cũng đang chi tiêu ngân sách mạnh mẽ, giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

“Dường như sự bất ổn thuế quan đang ảnh hưởng ít hơn đến hoạt động kinh tế so với những gì chúng ta nghĩ”, Isabel Schnabel, thành viên hội đồng điều hành của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận xét.

Phản ứng chính trị chống lại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ khoảng 10 năm trước cũng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quốc tế dựa nhiều hơn vào hoạt động sản xuất ngay tại các thị trường xuất khẩu chính. Nhiều chuyên gia cho rằng, thuế quan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những kế hoạch như vậy.

EBM Papst, một nhà sản xuất máy quạt của Đức với doanh thu hàng năm khoảng 2,5 tỉ euro đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Mỹ.

CEO Klaus Geissdoerfer của EBM Papst dự kiến tăng trưởng doanh thu hai chữ số tại Mỹ trong những năm tới, một phần nhờ vào làn sóng xây dựng các trung tâm dữ liệu, vốn cần rất nhiều máy quạt cho hệ thống làm mát.

Một số khách hàng Mỹ đã yêu cầu công ty nội địa hóa nhiều hơn hoạt động sản xuất tại Mỹ để thay thế các nhà cung cấp từ châu Á đang đối mặt với mức thuế quan cao hơn của Mỹ, Geissdoerfer cho biết.

Thương mại vẫn sôi động

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu vượt kỳ vọng trong ba tháng đầu năm nay, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự gia tăng xuất khẩu sang Bắc Mỹ. WTO dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay tăng trưởng 0,1% , thay vì giảm 0,2% như dự báo trước đây.

Tại châu Âu, ngành sản xuất tiếp tục cải thiện trong những tháng vừa qua, với các chỉ số dự báo về đơn hàng xuất khẩu mới và sản lượng tương lai đều tăng lên mức cao nhất trong ba năm. Adrian Prettejohn, nhà kinh tế của Capital Economics nhận xét, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ô tô quan trọng của châu Âu dường như vẫn duy trì tốt dù phải chịu mức thuế 25% của Mỹ.

Ngay cả ở Trung Quốc, sự hỗn loạn thuế quan trong vài tháng qua cũng không gây thiệt hại nhiều như lo ngại. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 10% trong năm tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước do thuế quan ảnh hưởng đến thương mại trực tiếp giữa hai siêu cường kinh tế.

Tuy nhiên, trong cùng kỳ, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6% nhờ lượng hàng xuất khẩu sang châu Á, châu Âu và châu Phi tăng.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Á đã tăng 10% trong năm tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lên 582 tỉ đô la, dù thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới với Trung Quốc suy giảm.

Tại Mỹ, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử. Điều này cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu bất chấp giá cả tăng cao. Nhờ đó, một số nhà xuất khẩu sang Hoa Kỳ chuyển một phần chi phí thuế quan cho khách hàng của họ.

Trong năm nay, các nhà bán lẻ loại phô mai Parmigiano-Reggiano của Ý đã tăng giá tại Mỹ từ 42 đô la lên khoảng 43-45 đô la / kg, một phần bù đắp cho mức thuế cơ bản 10% được áp dụng kể từ tháng Tư. Doanh số bán hàng của loại phô mai này tại Mỹ vẫn tăng 9% trong bốn tháng đầu năm nay, tương đương với các tháng trước.

Các nhà nhập khẩu phô mai đã xoay sở để bù đắp một phần tác động bằng cách nhập thêm hàng tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ (chịu trách nhiệm thu thập và công bố dữ liệu thống kê về dân số và kinh tế của Mỹ), kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu đã tăng 37% trong năm tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lên 421 tỉ đô la. Biên lợi nhuận cao của các doanh nghiệp Mỹ cho phép họ có thể gánh chịu một số chi phí tăng thêm từ thuế quan.

“Do đó, tác động tiêu cực của thuế quan đối với điều kiện thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế có thể bị hạn chế hơn”, Susan M. Collins, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Boston nhận xét.

Chắc chắn, một số sức mạnh trong thương mại của Mỹ có thể suy yếu khi các công ty giảm tốc độ mua hàng trong những tháng tới sau khi đẩy mạnh nhập khẩu trước đó nhằm tránh thuế quan.

Một số nhà kinh tế cho rằng, tác động của cú sốc thuế quan có thể diễn ra chậm trễ.

“Có lẽ, mọi người đã lo sợ những tác động tức thời hơn của thuế quan”, Marcus Noland, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nói.

Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) vốn không khiến nền kinh tế Anh bị đình trệ ngay nhưng gây tác động tiêu cực tích lũy theo thời gian, Noland cho rằng, đó có thể có thể là một phép so sánh hữu ích với chính sách thuế quan của Mỹ.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-toan-cau-kien-cuong-truoc-nghich-canh-thue-quan/