Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi nhanh, chạm được trạng thái trước dịch
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá như vậy tại phiên họp thương kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, sáng 29/6.
Kinh tế phục hồi nhanh
Tại phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022, UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Với tinh thần chủ động, quyết liệt, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm vượt qua khó khăn, ổn định các mặt tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Trong đó, các lĩnh vực kinh tế phục hồi nhanh, khá đồng bộ so với quý trước và cùng kỳ năm 2021.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) đạt gần 729 nghìn tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%). Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, quý 2 năm 2022 tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.
Cụ thể, về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến nay, tuy tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có sự hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành, có 20/30 ngành công nghiệp cấp hai có mức tăng trưởng dương. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%). Trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%), cao hơn 4 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Mặc dù có sự tăng trưởng dương và có sự hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành công nghiệp so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành sản xuất hàng điện tử lại giảm 9,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%).
Lý giải về việc tại sao ngành điện tự tăng trưởng âm so với cùng kỳ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Do tác động khó khăn trong chi tiêu của thế giới, kéo theo việc xuất khẩu của các thương hiện lớn như Samsung… thấp hơn cùng kỳ giai đoạn trước. Cùng với đó, do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn cung chip thiếu hụt… Ngoài ra, một số quốc gia siết lại tỷ lệ nội địa hóa…
Về lĩnh vực thương mại dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 556 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,3%). Đặc biệt, các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả; khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước được khôi phục. Trong đó, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Trong đó về xuất khẩu, sau thời gian chững lại trong quý 1/2022 (tăng 3,5% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đã tăng trở lại. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,1%). Còn về nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 26%).
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Kinh tế phục hồi nhanh, khá đồng bộ, chạm được trạng thái trước dịch, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực tuy có tăng nhưng tốc độ tăng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,03% so với cùng kỳ).
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh phục hồi kinh tế
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố có nhiều nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để các hoạt động kinh tế - xã hội được diễn ra thông suốt. Tuy nhiên các điểm nghẽn về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến việc hấp thu vốn, kể cả giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, hấp thu vốn xã hội cũng vướng mắc nhiều thủ tục, nhiều dự án không chạy được nên dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Do đó, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, quận huyện của thành phố phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh phục hồi… Qua đó, không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022, mà còn chuẩn bị những nền tảng, đà tốt hơn để thành phố chuẩn bị tăng tốc trong năm 2023.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2022 và các biện pháp phục hồi kinh tế, khắc phục nhanh các hạn chế. Trong đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công…
TP. Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và khu vực, nhất là diễn biến giá xăng dầu, giá vàng và thị trường ngoại hối để đánh giá, nhận định, dự báo tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đề xuất giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động. Tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn thị trường đã được ban hành đầu năm.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; hoàn thành việc kết nối toàn bộ dữ liệu kinh tế - xã hội của quận, huyện lên hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội thành phố…
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, minh bạch thị trường bất động sản; Rà soát quy hoạch đô thị, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch các khu vực quan trọng: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn TP. Thủ Đức, rà soát điều chỉnh các quy hoạch phù hợp hướng tuyến Vành đai 3…
Minh Khuê