Kinh tế TPHCM sẽ có mức tăng đột biến trong nửa cuối năm 2022

Với đà phục hồi mạnh mẽ và tương đối toàn diện trong nửa đầu năm 2022, ngành thống kê TPHCM dự báo quý 3 tới đây tăng trưởng của thành phố sẽ đạt mức tăng đột biến trên hai con số, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm đề ra. Nhận định này được đưa ra tại hội nghị công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 do Cục Thống kê TPHCM tổ chức chiều 30/6.

Báo cáo các chỉ số kinh tế – xã hội của thành phố trong nửa đầu năm nay, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM khẳng định nền kinh tế thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện, bất chấp tình trạng bất ổn toàn cầu liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá cả hàng hóa, nhiên liệu liên tục tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa kiểm soát dịch tại thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng công bố một số số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM nửa đầu năm nay. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Nguyễn Khắc Hoàng công bố một số số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM nửa đầu năm nay. Ảnh: Ngô Tùng

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 511.910 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong mức tăng trưởng chung 3,82%, khu vực thương mại - dịch vụ đóng góp nhiều nhất khi đạt mức tăng trưởng 4,83%, tiếp đến là khu vực công nghiệp – xây dựng với mức tăng 2,23%. Khu vực nông nghiệp đóng góp thấp nhất với mức tăng trưởng 1,77%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 3,82% so với cùng kỳ. Ảnh: Cục Thống kê TPHCM

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 3,82% so với cùng kỳ. Ảnh: Cục Thống kê TPHCM

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,04% so với cùng kỳ, riêng tháng 6 tăng 3,26% so với tháng 12/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, mức tăng trưởng dương 3,82% là mức tăng thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ và khá toàn diện, so với các địa phương khác trên cả nước. Theo ông Hoàng, đây là kết quả ngoài dự báo của các cơ quan (trước đó, cục dự báo GRDP 6 tháng đầu năm khoảng 3,52%, thấp so với hiện nay 0,3 điểm phần trăm).

Với tỷ trọng đóng góp của thành phố trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, ông Hoàng đánh giá, trung bình 1% tăng trưởng của GRDP TPHCM sẽ tương đương GRDP của Hà Nội tăng trưởng 1,5% mới tạo ra giá trị bằng 1% của thành phố. Tương tự như thế, Hải Phòng phải đạt mức tăng trưởng 6,8%, Đà Nẵng 14,0% và Cần Thơ 17,7%.

Với đà phục hồi khả quan trên, ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định quý 3 kinh tế thành phố sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng với hai con số và cuối năm sẽ vượt kế hoạch đề ra.

“Chúng tôi dự báo trong quý 3 tới đây tăng trưởng của thành phố sẽ đạt mức tăng đột biến, khả năng cao là trên hai con số. Cuối năm sẽ đạt vượt mức kế hoạch năm thành phố đề ra (kế hoạch năm là 6-6,5%)”, ông Nguyễn Khắc Hoàng nói.

Ngành du lịch TPHCM đã phục hồi và đóng góp to lớn vào cơ cấu kinh tế thành phố sau khi mở cửa từ đón khách từ 15/3. Ảnh: Ngô Tùng

Ngành du lịch TPHCM đã phục hồi và đóng góp to lớn vào cơ cấu kinh tế thành phố sau khi mở cửa từ đón khách từ 15/3. Ảnh: Ngô Tùng

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giải ngân đầu tư công, thực hiện các giải pháp để giảm giá xăng dầu, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho rằng, chỉ số CPI 6 tháng của thành phố tăng 2,04% có ảnh hưởng lớn từ nhóm ngành giao thông (tăng 17,9% so với cùng kỳ) vốn ảnh hưởng từ giá xăng dầu (với 12 lần liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng tăng giá).

6 tháng đầu năm, nhóm hàng ăn uống, dịch vụ cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại diện các sở, ngành trao đổi về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm.

Đại diện các sở, ngành trao đổi về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, chương trình bình ổn thị trường được thành phố triển khai là một công cụ quan trọng giúp ổn định tình hình giá cả các mặt hàng. Liên quan đến tình hình giá cả tăng hiện nay, Sở Công Thương đã chủ động làm việc với hệ thống các kênh phân phối và các doanh nghiệp để cùng xây dựng các phương án tạo nguồn hàng, thu mua dự trữ đúng kế hoạch, đúng tiến độ mà thành phố đã ban hành.

“Trong đó, đối với nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm, các doanh nghiệp bình ổn sẽ duy trì lượng hàng chiếm từ 25-35% nhu cầu thị trường, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, góp phần ổn định tình hình giá cả. Cùng với ổn định giá cả, ngành công thương cũng phối hợp các đơn vị thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng để hướng đến mục tiêu chung là ổn định tình hình thị trường tiêu dùng từ nay đến cuối năm, trong đó tập trung vào hai đợt hội chợ khuyến mãi tập trung”, đại diện Sở Công Thương cho hay.

Thu ngân sách địa bàn tăng 17,5%

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM tính lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 238.648 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán, tăng 17,5% so với cùng kỳ), trong đó các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng gấp 2 lần, dầu thô tăng 85,1% và thuế sản phẩm tăng 10,6%. Ở chiều ngược lại, chi thường xuyên ước thực hiện tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố ước thực hiện 140.275 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách địa phương ước thực hiện 10.987 tỷ đồng, bằng 34,4% kế hoạch năm và giảm 3,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước thực hiện 103.234 tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn nước ngoài ước thực hiện 17.107 tỷ, tăng 5,8%.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-te-tphcm-se-co-muc-tang-dot-bien-trong-nua-cuoi-nam-2022-post1450022.tpo