Kinh tế Trồng rừng bản địa đa loài, đa mục tiêu

TTH - Khoảng 50ha cây gỗ bản địa đa loài được trồng tại khu vực Khe Liềm, xã Phong Mỹ (Phong Điền) và tại rừng phòng hộ sông Hương cho thấy thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại đây cũng như trên địa bàn tỉnh.

Trồng cây bản địa đa loài tại Khe Liềm

Trồng cây bản địa đa loài tại Khe Liềm

Phù hợp sinh cảnh tự nhiên

Phục hồi rừng trên đất chiến tranh tàn phá luôn là niềm khắc khoải đối với người dân bản địa và toàn tỉnh nói chung. Từ năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên đã có đến 20ha rừng bị chiến tranh tàn phá tại khu vực Khe Liềm được phủ xanh cây gỗ bản địa đa loài. “Phải mất 5-7 năm tới mới có thể thành rừng, nhưng đây là bước khởi đầu, đáp ứng mong đợi của người dân từ lâu”, ông Trần Quốc ở xã Phong Mỹ bộc bạch.

Phó Giám đốc Bản Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, ông Trần Xuân Hai chia sẻ, điều nan giải bấy lâu của chúng tôi đã được giải tỏa khi vùng Khe Liềm phủ xanh cây rừng. Cây gỗ bản địa với 17 loài được phủ xanh trên diện tích 20ha đang phát triển tốt, cho thấy sự thích nghi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu của các loài cây. Trong điều kiện chăm sóc tốt thì trong vòng 5 năm tới, các diện tích cây bản địa có thể thành rừng, phát huy tác dụng.

Mô hình trồng cây gỗ bản địa đa loài tại Khe Liềm không chỉ phục hồi rừng trên diện tích bị chiến tranh tàn phá, mà còn góp phần quản lý và sử dụng bền vững diện tích đất rừng đặc dụng, phục hồi cây gỗ bản địa nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi cây thành rừng góp phần bảo tồn, nghiên cứu đặc điểm sinh thái, khả năng sinh trưởng và cung cấp giống các loài cây bản địa cho các dự án trồng rừng sau này.

Ông Nguyễn Ban, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Hương thông tin, sau khi đánh giá khả năng thích nghi của cây gỗ bản địa đa loài trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên tiếp tục triển khai trồng 30ha với 15 loài cây bản địa tại rừng phòng hộ sông Hương. Đến nay, các loài cây cho thấy sự phù hợp với sinh cảnh tự nhiên, đang sinh trưởng rất tốt, tỷ lệ sống cao.

Hỗ trợ thêm một cộng đồng trong năm nay

Mới đây, sau lễ phát động tết trồng cây do Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức, các lực lượng ra quân trồng gần 100 cây bản địa bổ sung vào diện tích 20ha cây bản địa trồng từ năm 2021 tại khu vực Khe Liềm. Việc trồng bổ sung các loài cây góp phần nâng cao giá trị rừng trồng bằng cây bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái tại đây. Mục tiêu trước mắt của ngành lâm nghiệp, các tổ chức, đơn vị tài trợ trong năm 2023 sẽ tiếp tục hỗ trợ một cộng đồng thuộc xã Phong Xuân (Phong Điền) triển khai mô hình trồng rừng bản địa trên đất quy hoạch phòng hộ, nhằm đa dạng hóa các mô hình trồng rừng bản địa đa loài trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Hải Minh cho rằng, trồng rừng không chỉ ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn làm đẹp cảnh quan thiên nhiên. Cây xanh còn mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Những hành động thiết thực về trồng cây và bảo vệ rừng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Hoàng Hải Minh đánh giá cao những đóng góp tích cực của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt trong việc hỗ trợ ngành lâm nghiệp, các địa phương trồng rừng bản địa đa loài, phục hồi rừng tự nhiên sau chiến tranh. Để phát huy hiệu quả các mô hình, yêu cầu các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên theo dõi, giám sát và tổng kết các mô hình tốt để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2023, ngành lâm nghiệp cùng với các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch ba loại rừng để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để nhân rộng mô hình, diện tích trồng rừng gỗ lớn và cây gỗ bản địa đa loài. Nguồn giống phục vụ trồng rừng đa loài tại các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất được tổ chức thẩm định, công nhận đảm bảo chất lượng, số lượng trước khi xuất ra thị trường và đưa vào trồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/trong-rung-ban-dia-da-loai-da-muc-tieu-a123844.html