Kinh tế Trung Quốc đã thấy 'ánh sáng cuối đường hầm', triển vọng phục hồi sẽ thế nào?

Nhiều nhà kinh tế dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi nhanh chóng sau đợt bùng phát Covid-19 mới nhất.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, Trung Quốc đã phục hồi kinh tế ngay trong quý II/2020. Năm nay, quốc gia này phải đối mặt với một biến thể virus dễ lây lan hơn, tốc độ tăng trưởng tổng thể yếu hơn và các biện pháp kích thích kinh tế ít hơn.

Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất diễn ra từ tháng 3/2022 đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến thành phố Thượng Hải. Khoảng một tuần trước, thành phố đã công bố kế hoạch mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 6/2022.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley nhận định: “Đối với Trung Quốc, chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng con đường phục hồi có thể sẽ rất chậm và gập ghềnh”.

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Đơn cử như nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen cho biết, các biện pháp kiểm soát sự lây lan của Covid-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Winnie Zhang, sinh viên năm cuối ngành thiết kế sản phẩm tại Đại học Giao thông Thượng Hải, là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm.

Cô cho biết, một số công ty đã ngừng gửi thư tuyển dụng hoặc chỉ có một vòng phỏng vấn. Bên cạnh đó, rất nhiều công ty nhận được đơn xin việc nhưng đã không phản hồi và nhiều công ty nói rõ ràng rằng, họ không cần tuyển nhân viên làm việc từ xa.

Zhang nói: “Sinh viên tốt nghiệp năm nay sẽ nghĩ rằng họ có nhiều áp lực hơn trong việc tìm kiếm việc làm so với sinh viên tốt nghiệp năm 2016-2017”.

Theo số liệu chính thức, 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp dự kiến sẽ tham gia thị trường việc làm trong năm nay. Các cuộc khảo sát gần đây về việc làm sau đại học cho thấy, số việc làm sẵn có giảm xuống 0,88/sinh viên trong quý IV/2021. Mức lương trung bình hàng tháng vào năm 2022 giảm khoảng 12% so với năm 2021.

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt gần đây ở các thành phố lớn như Thượng Hải, đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Tháng 4/2022, theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 6,1% - mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Nancy Qian, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định: "Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại vào năm 2021. Để tạo thêm việc làm, Bắc Kinh phải mở cửa thị trường. Nhưng Covid-19, xung đột Nga-Ukraine cũng như căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung khiến vấn đề này khó có thể xử lý trong ngắn hạn".

Tháng 3/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%.

Tuy nhiên, Fitch Ratings hồi đầu tháng 5/2022 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,3%, từ mức 4,8%.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc dự báo, tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức là 5,1%. Bà Wang kỳ vọng, Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích và giảm bớt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ do Covid-19 vào cuối mùa Hè.

Nhưng cho đến nay, gần 2 tháng sau khi Thượng Hải phong tỏa nghiêm ngặt, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa có những thay đổi lớn.

Công ty tài chính Morgan Stanley cho hay, dù xét về lãi suất hay chính sách tài khóa, mức độ kích thích kinh tế của chính phủ vẫn bằng một nửa so với thời kỳ cao điểm của đại dịch vào năm 2020.

Ngày 20/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay kỳ hạn 5 năm - vốn là mức lãi suất tham chiếu đối với các khoản vay thế chấp mua nhà, từ 4,6% xuống còn 4,45%. Đây là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ năm 2019 của PBoC và cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.

Động thái của PBoC được kỳ vọng sẽ hỗ trợ những người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại vì dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã công bố cắt giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp nhỏ và bắt đầu cắt giảm lãi suất thế chấp. Nhưng tác động của Covid-19, đặc biệt là tác động đối với lĩnh vực bất động sản có thể mất nhiều thời gian để các biện pháp kích thích phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, cũng có khả năng đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể đến nhanh hơn nhiều người mong đợi.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie đưa ra quan điểm: “Kinh nghiệm trong hai năm qua cho thấy, một cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra có xu hướng kết thúc nhanh chóng”.

Đối với phần lớn các thành phố tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp diễn. Khoảng 80% hoạt động sản xuất ở miền Nam Trung Quốc đã trở lại bình thường.

Klaus Zenkel, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại miền Nam Trung Quốc nhận định: “Tất cả đều bận rộn, họ đều có việc phải làm. Các doanh nghiệp đang lấp đầy kho hàng để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt kéo dài”.

(theo CNBC, The Guardian)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-da-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-trien-vong-phuc-hoi-se-the-nao-184772.html