Kinh tế Trung Quốc đón nhận những tín hiệu sáng trong quý 2

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê Quốc gia cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trong tháng thứ hai liên tiếp.

Bên trong công ty sản xuất xe điện ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên trong công ty sản xuất xe điện ở Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tích cực mới về sự ổn định với các số liệu mạnh mẽ trong quý 1/2024.

Những tín hiệu này được coi như nền tảng vững chắc để nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm 2024.

Bày tỏ sự tin tưởng vào quỹ đạo tích cực của kinh tế của Trung Quốc, các nhà kinh tế và giám đốc điều hành toàn cầu dự đoán quốc gia này sẽ duy trì vai trò "đầu tàu" cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy bức tranh hỗn hợp về sự phục hồi, đồng thời kêu gọi những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, giải quyết các thách thức cơ cấu, liên tục tăng cường cải cách và mở cửa.

Bà Liu Xueyan, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu tình hình vĩ mô tại Viện nghiên cứu vĩ mô Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt đẹp vào năm 2024 với tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong quý 1.

Bà Liu Xueyan nói: "Với nền tảng vững chắc được đặt ra trong quý 1 niềm tin của thị trường được củng cố và có nhiều dư địa cho điều chỉnh chính sách trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đi đúng hướng để phục hồi ổn định trong quý 2."

 Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về tương lai, bà Liu Xueyan cho biết bà tin rằng mục tiêu tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc cho cả năm 2024 vào khoảng 5% là có thể đạt được.

Bà Liu Xueyan lưu ý: "Với thu nhập của cư dân tăng nhanh, việc làm ở khu vực thành thị được cải thiện, cùng với sự hỗ trợ của chính sách, sự lạc quan về tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay đang nhen nhóm."

Kỳ nghỉ lễ Lao động kéo dài 5 ngày trong tháng 5 một lần nữa được chứng minh là thời điểm bội thu cho du lịch Trung Quốc trong năm nay.

Có 295 triệu lượt khách du lịch trong nước, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 28,2% so với năm 2019.

Tổng doanh thu du lịch nội địa đạt 166,89 tỷ nhân dân tệ (23,16 tỷ USD), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Về xuất khẩu, bà Liu Xueyan cho biết trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đang mở rộng từ các thị trường xuất khẩu truyền thống sang những khu vực rộng lớn hơn, và xuất khẩu ba mặt hàng "mũi nhọn" mới là ôtô điện, pin lithium-ion và pin năng lượng Mặt Trời, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng ổn định của ngoại thương Trung Quốc.

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 4/2024.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2024 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh).

Con số này đánh dấu sự phục hồi sau mức giảm 7,5% vào tháng 3/2024, lần đầu tiên nước này chứng kiến xuất khẩu giảm kể từ tháng 11 năm ngoái. Điều này cho thấy một số tín hiệu tích cực về nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài, và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng đà hồi phục này sẽ kéo dài đến cuối năm.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2024 cũng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023, vượt qua mức dự báo là 4,8%.

 Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý 1/2024, nhưng các số liệu về xuất khẩu, lạm phát giá tiêu dùng, giá sản xuất và cho vay ngân hàng trong tháng 3/2024 cho thấy đà tăng trưởng có thể đang chững lại.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài cũng chưa có dấu hiệu lắng xuống, khiến các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong quý 1/2024, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một loạt số liệu kinh tế tích cực vượt dự báo trong giai đoạn tháng 1-2 và khảo sát các nhà sản xuất trong tháng Ba cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vượt qua được một số thách thức ban đầu. Điều này giúp các nhà chức trách nước này có thêm thời gian để củng cố niềm tin mong manh của các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, những thách thức cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều.

Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc xuống mức tiêu cực, viện dẫn rủi ro đối với tài chính công khi tăng trưởng chậm lại và nợ chính phủ tăng cao.

Trung Quốc trước đó cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, bao gồm cả việc điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn trong phần lớn thời gian của năm ngoái do lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài. Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và những ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác không có dấu hiệu sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc cạnh tranh giành thị phần.

Các nhà phân tích cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tiếp tục giảm giá để duy trì doanh số bán hàng ở nước ngoài trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu. Điều này được minh chứng bằng việc khối lượng xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 3/2024.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 72,35 tỷ USD, so với mức dự báo 77,50 tỷ USD trong cuộc thăm dò của Reuters và 58,55 tỷ USD trong tháng 3/2024.

 Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Còn theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, quy mô dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là 3.200,8 tỷ USD, giảm 44,8 tỷ USD so với cuối tháng 3/2024 với mức giảm 1,38%.

Lãnh đạo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho biết trong tháng 4/2024, do ảnh hưởng bởi yếu tố như dữ liệu kinh tế vĩ mô và kỳ vọng chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, chỉ số của đồng USD tăng lên, trong khi đó tổng thể giá cả tài sản tài chính toàn cầu giảm.

Đồng thời, do tác động tổng hợp của các yếu tố như chuyển đổi tỷ giá và thay đổi giá tài sản, dẫn đến quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong tháng 4.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, nền tảng kinh tế của nước này ổn định, có nhiều lợi thế, khả năng chống chịu cao và có tiềm năng lớn, thuận lợi cho việc duy trì quy mô dự trữ ngoại hối cơ bản ổn định.

Theo dữ liệu dự trữ vàng được công bố cùng ngày cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ở mức 72,8 triệu ounce, tăng 60.000 ounce so với tháng trước.

Điều đáng chú ý là PBoC đã bắt đầu đợt tăng dự trữ vàng này từ tháng 11/2022. Tính đến tháng 4/2024, đã tăng 18 tháng liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-trung-quoc-don-nhan-nhung-tin-hieu-sang-trong-quy-2-post948108.vnp