Kinh tế Trung Quốc, Đức khởi sắc, Mỹ đối mặt suy thoái nhẹ

Khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc và Đức đã tăng trưởng ấn tượng trong tháng 3. Trong khi đó, dù kinh tế đã dần ổn định, Mỹ vẫn chưa thể đẩy lùi suy thoái.

Lạm phát tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng Mỹ.

Lạm phát tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng Mỹ.

Sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) của Trung Quốc được công bố ngày 1-3 đã tăng lên 52,6 vào tháng 2 từ 50,1 vào tháng 1. Một cuộc khảo sát tại khu vực tư nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng lần đầu tiên của khu vực này sau 7 tháng.

"Đây là những tín hiệu đáng khích lệ, nhưng đấy mới chỉ là 1 tháng và những thách thức vẫn còn" - chuyên gia kinh tế Duncan Wrigley tại Pantheon Macroeconomics, nói.

Tại châu Âu, ngày 8-3 Cơ quan Thống kê Liên bang Đức Destatis công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này phục hồi trong tháng 1, đưa đến sự lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể tránh được suy thoái.

Theo đó, sản lượng công nghiệp của Đức tăng 3,5% trong tháng 1, sau khi giảm 2,4% trong tháng 12-2022. Người phụ trách kinh tế vĩ mô của ING Carsten Brzeski cho rằng, số liệu trên đã làm giảm bớt lo ngại về nền kinh tế.

Bộ Kinh tế Đức lạc quan về triển vọng của nền kinh tế khi những vấn đề về nguồn cung giảm bớt và lượng đơn hàng lớn có nghĩa sự giảm tốc của nền kinh tế vào đầu năm sẽ không mạnh.

Còn tại Mỹ, những tin tốt dồn dập những tháng đầu năm, đã mang đến hy vọng quốc gia này sẽ đẩy lùi được suy thoái - nỗi ám ảnh trong suốt năm 2022.

Báo cáo của chính phủ Mỹ công bố vào tháng trước cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm. Cụ thể, tháng 1 Mỹ có thêm 517.000 việc làm mới, cao hơn mức trung bình mỗi tháng của năm ngoái là 401.000 việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp 3,4%, mức thấp nhất kể trong 53 năm qua.

Tiếp đó, vào giữa tháng 2, dữ liệu doanh số bán lẻ mới đã vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy, chi tiêu tiêu dùng - huyết mạch của nền kinh tế lớn nhất thế giới - ổn định.

Những tin vui trên đang thúc đẩy hy vọng rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái hoàn toàn.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Nancy Lazar tại Piper Sandler nhận định, chỉ vì nền kinh tế đang hoạt động tốt ngày nay không có nghĩa là nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái".

Cụ thể, một số bộ phận của nền kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại. Theo Hiệp hội môi giới quốc gia Mỹ, trong tháng 1 doanh số bán nhà đã giảm tháng thứ 12 liên tiếp, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11-2010.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 12/2022. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đã chi tiêu phần lớn khoản dự trữ trong thời kỳ đại dịch.

Nhà kinh tế Roach dự đoán, một cuộc suy thoái sẽ "cập bến" nước Mỹ nhưng các chỉ số kinh tế mạnh mẽ gần đây sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với suy thoái nhẹ.

Nguồn SGĐT: https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te-trung-quoc-duc-khoi-sac-my-doi-mat-suy-thoai-nhe-post102576.html