Kinh tế Trung Quốc trượt dốc tác động ra sao đến thế giới?

Tăng trưởng yếu đi và rủi ro gia tăng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được cho là sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đang chậm lại, do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này giảm và tiêu dùng trong nước tăng trưởng chậm. Thêm vào đó, khủng hoảng thị trường bất động sản có nguy cơ dẫn đến suy thoái sâu hơn cho nền kinh tế nước này. Tăng trưởng yếu đi và rủi ro gia tăng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được cho là sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chững lại vào quý II năm nay. Xuất khẩu, (từng là động lực tăng trưởng) đã giảm 14,5% trong tháng 7. Nhu cầu toàn cầu yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng đang gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ thị trường bất động sản không ổn định đến nhu cầu tiêu dùng yếu.

Triển vọng kinh tế không mấy khả quan của Trung Quốc, là điềm báo xấu cho thị trường toàn cầu và các nền kinh tế khác như Mỹ. Cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Tổng thống Joe Biden gần đây đều cảnh báo về những hệ quả xấu từ sự suy giảm kinh tế Trung Quốc.

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đang chậm lại - Ảnh: Xinhua

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc đang chậm lại - Ảnh: Xinhua

Dữ liệu mới đây cho thấy, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong 5 tháng. Điều này có thể có tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất và xuất khẩu ở Mỹ và các thị trường khác, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc đồng nghĩa với tình trạng dư thừa hàng tồn kho của các công ty Mỹ và làm thu hẹp lợi nhuận, cũng như hoạt động kinh doanh yếu hơn ở các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu. Thêm vào đó, khủng hoảng bất đồng sản còn kéo dài khiến Trung Quốc khó điều chỉnh con tàu kinh tế, tạo ra lực cản lâu dài đối với tăng trưởng toàn cầu trong tương lai.

Trái ngược với vấn đề lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với tình trạng giá cả sụt giảm. Nhu cầu tiêu dùng yếu đã đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tình trạng giảm phát. Theo dữ liệu mới được công bố, giá tiêu dùng đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho rằng khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời.

Người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Phó Lăng Huy khẳng định, nhìn từ góc độ điều hành tổng thể nền kinh tế, có thể thấy nền kinh tế nhìn chung đang phục hồi. Về điều kiện tiền tệ, Cục Thống kê quan sát thấy nguồn cung tiền rộng rãi đang tăng lên và thanh khoản chung của thị trường là dồi dào.

“Thị trường bất động sản hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh. Một số DN bất động sản đang gặp khó khăn nhất định trong hoạt động, đặc biệt là các DN đầu ngành, rủi ro nợ nần lộ ra, tác động đến kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng những vấn đề này là tạm thời. Khi các cơ chế điều chỉnh của thị trường dần đi vào hoạt động, các chính sách bất động sản được tối ưu hóa thông qua điều chỉnh chính sách, các rủi ro đối với DN bất động sản sẽ dần được giải quyết”, ông Phó Lăng Huy lý giải.

Trần Nga/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-trung-quoc-truot-doc-tac-dong-ra-sao-den-the-gioi-post1040757.vov