Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Mù Sang là xã biên giới của huyện Phong Thổ, khí hậu khắc nghiệt, đất khô cằn vì thiếu nước sản xuất; thiên tai thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống Nhân dân. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Đến với Mù Sang những ngày giữa tháng 7, chúng tôi được thỏa mãn đôi mắt của mình khi ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang xanh mướt; đồi sắn đang độ xuân thì tươi non mơn mởn; xen lẫn là ruộng ngô cao vút tầm bắt đầu cho thu hoạch với nhiều bắp to, chắc nịch. Xa xa, bóng dáng người nông dân cặm cụi làm cỏ, chăm sóc nương ngô.

Đi thêm một đoạn lên bản Sin Chải, chúng tôi thấy các thành viên trong gia đình anh Ma A Chiếu đang nghỉ ngơi trên đồi sắn sau giờ làm cỏ mệt nhọc. Lau vội những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Chiếu phấn khởi: Gia đình tôi trồng sắn từ lâu rồi, nhưng mấy năm nay, sắn được giá cao nên vợ chồng tôi vừa khai hoang thêm, vừa chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng sắn được hơn 5 nghìn mét. Năm trước, gia đình tôi thu được hơn 10 tấn sắn, bán tươi được 20 triệu đồng. Ngoài ra một năm gia đình thu được 35 bao thóc, 20 bao ngô hạt nữa. Mới đây, tôi còn mạnh dạn trồng 1.700 gốc sa nhân tím. Đời sống khấm khá hơn; không còn lo cái đói, cái nghèo, chạy ăn từng bữa như trước.

Nhân dân xã Mù Sang (huyện Phong Thổ) chăm sóc cây sắn.

Nhân dân xã Mù Sang (huyện Phong Thổ) chăm sóc cây sắn.

Xã Mù Sang có 10 bản, 559 hộ dân, trên 3 nghìn nhân khẩu chủ yếu là người Mông, Dao sinh sống. Đây là một trong những xã biên giới khó khăn nhất của huyện Phong Thổ. Mấy năm trở lại đây, mưa lũ, thiên tai thường xuyên xảy ra; tình trạng thiếu nước sản xuất vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Mặt khác, sản phẩm chuối tiêu hồng của người dân trồng không tiêu thụ được dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều trở ngại. Trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, nghèo nàn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo nơi đây ở mức cao. Tính đến hết năm 2020, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 41% dân số, thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho hay: Trước những khó khăn về yếu tố khách quan và chủ quan, cấp ủy, chính quyền xã chủ động xây dựng kế hoạch quy hoạch theo vùng sản xuất; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân các bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, phát huy tính tiên phong, noi gương đi đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức trong xã. Xác định với khí hậu khắc nghiệt, khô cằn, thường xuyên thiếu nước, xã vận động bà con tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, trồng chuối kém hiệu quả sang trồng cây sắn, vừa năng suất, giá thành bán cao. Cùng với đó, tiếp tục khai hoang diện tích đất bỏ trống để trồng cây ăn quả; khôi phục lại diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của mưa lũ năm trước. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Năm 2020, toàn xã trồng được 55ha sắn, đến năm nay, Nhân dân các bản đã trồng 202ha.

Bên cạnh đó, xã vận động Nhân dân các bản triển khai cấy lúa 2 vụ trên diện tích đất sản xuất đủ nước; đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu làm đất để giảm chi phí và sức lao động. Nhằm giúp người dân có thêm động lực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã chủ động triển khai việc hỗ trợ giống lúa, ngô, cây dược liệu; máy móc sản xuất hiện đại theo chương trình, chính sách của Chính phủ, tỉnh. Được biết năm 2020, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cấp bù hơn 1,4 tấn giống lúa, ngô cho Nhân nhân khôi phục lại diện tích bị thiệt hại do mưa lũ. Vụ đông xuân năm 2021, lần đầu tiên xã vận động Nhân dân gieo cấy 2,3ha, năng suất đạt trên 58 tạ/ha.

Hiện nay, xã đang chỉ đạo công chức địa chính nông nghiệp phối hợp với các bản đôn đốc Nhân dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy 82ha lúa vụ mùa; làm cỏ, chăm sóc 65ha lúa nương, 246ha ngô, 263ha cây ăn quả, 25ha cây dược liệu. Hàng tuần, cán bộ xã thường xuyên tổ chức thăm đồng, kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, xã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, xây dựng các tuyến đường ra khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, 6 tuyến đường ra khu sản xuất ở các bản: Tung Chung Vang, Sin Chải, Sàng Sang, Mù Sang, Lảng Than và Sàng Cải đang thi công hoàn thiện trên 80% khối lượng công trình.

Từ những giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân; tin rằng kinh tế của xã nghèo Mù Sang sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, đạt được mục tiêu: thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-5%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân biên giới.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%C3%B9-sang-chuy%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%95i-c%C6%A1-c%E1%BA%A5u-c%C3%A2y-tr%E1%BB%93ng