Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cấp ủy, chính quyền xã Vàng San (huyện Mường Tè) thực hiện nhiều giải pháp, phát huy nội lực, ngoại lực để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Nhờ đó, cuộc sống của bà con được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi.

Trở lại xã Vàng San những ngày này, diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi mới. Con đường nội bản, nội đồng được bêtông; nhà sàn, nhà xây mọc san sát nhau; nơi lao động sản xuất mở rộng với những ruộng lúa, nương ngô xen kẽ cùng mô hình cây ăn quả, cây công nghiệp xanh tốt... Đó là minh chứng cho cuộc sống của người dân đang từng bước đổi thay tích cực.

Để giúp người dân vươn lên, cán bộ, đảng viên của xã không ngại khó khăn bám cơ sở. Cán bộ, đảng viên ít dùng lời nói suông mà hành động bằng thực tế để hiểu dân, làm cho dân tin, dân học theo, từ đó thay đổi cách sản xuất cũ bằng phương thức canh tác mới có áp dụng khoa học kỹ thuật.

Mô hình nuôi lợn hiệu quả của người dân bản Pắc Pạ (xã Vàng San, huyện Mường Tè).

Mô hình nuôi lợn hiệu quả của người dân bản Pắc Pạ (xã Vàng San, huyện Mường Tè).

Anh Lò A Chu - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Mỗi khi đi bản, chúng tôi đều mang theo cây trồng, con giống có chất lượng để người dân quan sát, biết cách chăm sóc vì bà con chỉ tin khi thấy hiệu quả thực tế mang lại. Chúng tôi giải thích về chất lượng sản phẩm, đem trồng, nuôi thử nghiệm, có kết quả mới nhân rộng”. Ngoài ra, chính quyền xã vận động người dân tăng cường khai hoang đất sản xuất, tích cực tham gia các lớp dạy nghề, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế; chủ động xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự.

Có sự tự tin, 620 hộ đồng bào dân tộc: Thái, Mông, Mảng, Hà Nhì ở 6 bản của xã không còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà tự mình đứng lên làm chủ cuộc sống. Bà con tích cực vay vốn mua công cụ lao động, phân bón, cây trồng, con giống có chất lượng đầu tư vào sản xuất, chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ lúa, ngô. Với diện tích gần 400ha, mỗi vụ ngô, thóc đạt năng suất từ 30-55 tạ/ha. Giữa 2 mùa vụ, Nhân dân trồng lạc, đậu tương, rau màu các loại. Giờ đây, nông sản làm ra không chỉ đủ ăn, dư thừa cho mùa vụ sau mà còn trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cho bà con. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, quy hoạch bãi chăn thả, mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Hiện, xã có 6.850 con gia súc và gần 10.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn đạt 5%/năm.

Anh Vàng Văn Bình (bản Pắc Pạ) cho biết: Có cán bộ xã tuyên truyền, vận động, tôi mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi, mua con giống chất lượng, xây dựng mô hình, quan tâm đến phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn. Tôi còn tích cực học hỏi kiến thức ở các lớp dạy nghề, hộ chăn nuôi giỏi. Đến nay, gia đình tôi có 10 con gia súc, 4 ao cá, 5 con lợn và gần 100 con gia cầm, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Bà con tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển thương mại-dịch vụ. Các hội, đoàn thể xã tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, hộ khá giúp hộ khó khăn xóa đói giảm nghèo. Xã còn kịp thời tuyên dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay giảm còn 25,43%, thu nhập đạt 22 triệu đồng/người/năm (giảm 17,4% tỷ lệ hộ nghèo, tăng 3,4 triệu đồng/người so với cùng kỳ năm 2020).

Thu nhập tăng lên, cuộc sống khá hơn, người dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cho con em đi học, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự; tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Với những con số “biết nói” là minh chứng cho thấy người dân và chính quyền xã Vàng San không ngại khó khăn vượt lên tất cả. Từ đó, đưa Vàng San từ một xã nghèo vươn lên đứng trong tốp đầu các xã phát triển của huyện.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C3%A2ng-cao-m%E1%BB%A9c-s%E1%BB%91ng-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n