Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Về thăm xã Giang Ma (huyện Tam Đường) một ngày giữa tháng 6, chúng tôi được thưởng ngoạn những khu ruộng ngập tràn hoa hồng, bí xanh, dưa leo. Rõ ràng cuộc sống của người dân nơi đây đã và đang từng ngày đổi thay nhờ hướng đi mới: cho thuê đất nông nghiệp và chuyển sang làm lao động cho các chủ vườn hoa, rau. Ghé thăm mô hình thuê đất nông nghiệp trồng hoa hồng đầu tiên ở bản Giang Ma (xã Giang Ma), chúng tôi thấy vườn hoa rất đẹp, những khóm hoa hồng thân mập, bông to. Được biết, tháng 6/2019, anh Bùi Văn Thủy (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) thuê gần 2ha đất ruộng 1 vụ lúa của anh Giàng A Khoa với giá 80 triệu đồng/ha/năm. Ngay khi cho thuê đất, gia đình anh Khoa đăng ký 2 lao động phổ thông làm cho anh Thủy. Mỗi ngày, vợ chồng anh lao động 8 tiếng tại vườn hoa với việc vun xới, trồng, làm cỏ và bón phân cho hoa hồng. Anh Thủy trả công cho vợ chồng anh Khoa 10 triệu đồng/tháng.
Anh Khoa tâm sự: “Từ diện tích đất nông nghiệp trên, mỗi năm, tôi thu hoạch 12 tấn thóc, trị giá 120 triệu đồng (chưa trừ chi phí giống, phân bón và công gieo cấy, chăm sóc). Nhờ anh Thủy thuê đất, mỗi năm, tôi thu 160 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với gia đình gieo cấy 1 vụ lúa/năm. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn có việc làm với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng, trên chính diện tích đất của gia đình”.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tới thăm mô hình thuê đất nông nghiệp trồng hoa hồng của anh Chu Văn Thảo (ở bản Bãi Bằng, xã Giang Ma). Theo lời anh Thảo kể, tháng 9/2020, anh từ phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) lên nhà ông Giàng A Sinh (ở bản Bãi Bằng) thuê hơn 1ha đất nông nghiệp với giá 110 triệu đồng/năm. Điều anh tâm đắc nhất là diện tích hoa hồng của gia đình cạnh quốc lộ 4D thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ hoa hồng, anh cung cấp cho thị trường Hà Nội. Mỗi lứa (45 ngày), anh gửi hơn 10 nghìn bông hoa hồng trên các xe khách từ thành phố Lai Châu - Hà Nội. Anh thuê vợ chồng ông Sinh lao động thường xuyên tại vườn hoa với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Sinh cho thuê đất không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn có việc làm ổn định với thu nhập cao. Thời điểm hoa hồng vào vụ thu hoạch, anh Thảo thuê từ 6 - 8 lao động thời vụ tại địa phương với tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày. Qua đó, anh tạo việc làm cho lao động nông thôn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Khác với anh Thủy và anh Thảo thuê đất trồng hoa, tháng 11/2020, anh Đỗ Văn Hùng (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) thuê gần 1ha đất ruộng 1 vụ lúa của ông Ma A Chiến (ở bản Mào Phô) với giá 80 triệu đồng trồng rau màu. Với bản chất cần cù, chịu khó, gia đình ông Chiến được anh Hùng thuê làm lao động phổ thông vun xới, bón phân, chăm sóc các loại rau màu. Nhờ đó, ông Chiến có “thu nhập kép” từ tiền thuê đất và lao động trên chính diện tích đất của gia đình. Cuối tháng 6 này, anh Hùng trồng dưa leo, bí đao, đỗ quả. Mỗi vụ, anh thu hàng chục tấn rau màu các loại. Toàn bộ sản phẩm rau màu anh hợp đồng bán cho các siêu thị lớn ở Hà Nội.
Anh Hùng cho biết: “Tôi thuê đất nông nghiệp của ông Chiến không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà mong muốn giúp bà con nơi đây đổi thay nếp nghĩ, cách sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Với gần 1ha rau màu, mỗi năm, tôi thu từ 500 - 600 triệu đồng. Trừ chi phí (thuê đất, công lao động), thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm (cao gấp nhiều lần so với bà con gieo cấy 1 vụ lúa)”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Giang Ma có 27 hộ cho thuê hơn 30ha đất nông nghiệp để trồng hoa hồng, rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân cho thuê đất nông nghiệp với giá thỏa thuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm (tùy thuộc vào vị trí đất, nguồn nước). Cụ thể, bà con cho thuê đất trong 10 năm, hình thức trả tiền thuê đất theo năm. Từ cho thuê đất, người dân có “món tiền lớn” để đầu tư phát triển kinh tế gia đình mà trước đây bà con sản xuất 1 vụ, lợi nhuận kinh tế thấp nên không thực hiện được. Đây là hướng phát triển kinh tế mới ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Giàng A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma nhấn mạnh: “UBND xã nhất trí cao đối với các tổ chức, cá nhân thuê đất nông nghiệp của bà con trong xã. Tất cả các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp của người dân đều được UBND xã xác nhận, gồm: thời gian thuê, tổng tiền thuê và hình thức trả tiền theo tháng, quý, năm. UBND xã quản lý, nhắc nhở người thuê đất trên địa bàn xã chấp hành tốt hợp đồng thuê đất và nội quy, quy định của địa phương”.
Việc người dân cho thuê đất nông nghiệp tại xã Giang Ma là hướng phát triển kinh tế đúng đắn, đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Đặc biệt, lao động địa phương có thêm việc làm, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để có nguồn thu nhập cao và bền vững. Đây là mô hình cần được các cấp chính quyền huyện, xã quan tâm, nhân rộng trong thời gian tới.