Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Để việc trồng chè mới đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, cây trồng có tỷ lệ sống cao, những ngày này nông dân huyện Phong Thổ đang ra sức lao động, huy động nhân lực trồng chè mới, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8.

Sau những trận mưa tầm tã, kéo dài, vợ chồng anh Phủ Xính Khoáng ở bản Cung Mù Phìn (xã Lản Nhì Thàng) nhanh chóng cùng anh em triển khai trồng 1,3ha để chè mới. Biết khối lượng công việc nhiều trong khi lực lượng lao động có hạn nên anh chị tranh thủ từng giây, từng phút làm việc.

Anh Khoáng kể: “2 năm trước, toàn bộ diện tích đất nương của gia đình tôi trồng chuối tây. Đáng buồn, cây vừa ra hoa đã bị hỏng, chết hết, không mang lại hiệu quả kinh tế. Trong khi gia đình tôi là hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng tôi và 2 con chỉ biết trông vào vài chục con gà, 0,5ha ngô 1 vụ, mỗi năm thu được trên 1 tấn ngô để chăn nuôi và bán lấy tiền mua thóc. Khi biết có chủ trương trồng chè mới, gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia. Hy vọng, cây chè sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình trong vài năm tới”.

Chung niềm mong ước với gia đình anh Khoáng là gia đình chị Vàng Già Mẩy cùng ở bản Cung Mù Phìn. Trước đây, gia đình chị Mẩy chưa từng trồng chè nhưng khi được cán bộ tuyên truyền, vận động, gia đình chị quyết định đăng ký trồng trên 1ha. Với đặc điểm nương dốc, nhiều đá, khó làm nên anh chị phải đi đổi công với nhiều gia đình khác để có thêm nhân lực làm đất, trồng chè. Giai đoạn làm đất hồi tháng 5, mỗi ngày gia đình chị có từ 14-15 người đào đường băng trồng chè, làm liên tục gần 1 tháng mới xong. Giờ đây, khi bước vào giai đoạn trồng chè, mỗi ngày gia đình chị huy động 7-8 người (anh em họ hàng) làm liên tục trong vài ngày. Dự kiến 2 ngày nữa gia đình chị sẽ trồng xong chè.

Người dân bản Cung Mù Phìn (xã Lản Nhì Thàng) trồng chè Shan năm 2021.

Người dân bản Cung Mù Phìn (xã Lản Nhì Thàng) trồng chè Shan năm 2021.

Gia đình anh Khoáng, chị Mẩy chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ dân của 4 bản: Lản Nhì Thàng, Cung Mù Phìn, Séo Siên Pho, Chiêu Sải Phìn (xã Lản Nhì Thàng) tham gia trồng mới chè năm 2021 với tổng diện tích 17,9ha. 100% các hộ dân trồng giống chè Shan. Giống chè này có ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, cây phát triển tốt, sản lượng búp cao, chất lượng chè ngon. Đến thời điểm này, cơ bản việc trồng chè của xã đã hoàn thành, đảm bảo theo đúng tiến độ.

Anh Trịnh Khắc Tấn – Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng chia sẻ: “Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã trồng được 138,6ha chè. Năm nay, xã tiếp tục trồng mới 17,9ha chè. Đây là điều kiện thuận lợi để xã hình thành vùng sản xuất chè lớn, giúp Nhân dân có thêm điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế xã gắn với việc xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng ở 9/9 bản, nhất là ở các bản: Tô Y Phìn, Hồng Thu Mông”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thực hiện Đề án phát triển vùng chè tập trung của tỉnh, những năm gần đây, huyện Phong Thổ mở rộng diện tích trồng chè mới ở các xã, nâng tổng diện tích chè toàn huyện (đến tháng 6/2021) lên 299ha. Điều đáng mừng, nhiều diện tích trồng mới sau 1 thời gian ngắn đã cho thu hoạch (tiêu biểu ở xã Sin Suối Hồ). Từ đó sản lượng chè tăng qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2020, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt 72 tấn. 7 tháng đầu năm 2021 sản lượng chè búp tươi đạt 55,1 tấn. Đến cuối năm 2021, dự kiến sản lượng chè búp tươi có thể lên đến 205 tấn. Đây là tín hiệu tích cực, mang lại niềm vui, động lực cho người dân trồng chè trên địa bàn huyện.

Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay huyện trồng mới 250ha chè (tăng 139ha so với năm 2020), tập trung ở 3 xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ và Lản Nhì Thàng. 3 giống chè được đưa vào trồng năm nay là: Shan, PH8 và Kim tuyên. Các hộ gia đình tham gia trồng chè, được hỗ trợ 100% giống, kỹ thuật và phân bón lót, mỗi héc-ta chè được hỗ trợ 15 triệu đồng công khai hoang, làm đất”.

Thời gian trồng chè từ ngày 10/7 đến ngày 15/8. Những ngày đầu triển khai, trên địa bàn huyện gặp phải một số khó khăn do: mưa nhiều, đường đi vào nương chè xa, đường trơn trượt, khó vận chuyển giống phân bón, nhất là ở các bản: Hoàng Liên Sơn 1, Hoàng Liên Sơn 2, San Dì của xã Nậm Xe. Ngoài ra, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, mỗi nơi cấp giống áp dụng không được tập trung quá 10 người. Giống chè cũng được nhập từ tỉnh Thái Nguyên, quá trình di chuyển xa, khiến việc cấp cây giống đôi khi còn chậm. Một số người dân không nhiệt tình tham gia, đòi cấp giống bằng hạt, không làm đường băng.

Để khắc phục khó khăn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã, bản tổ chức họp, đối thoại, tuyên truyền nhiều lần đến người dân. Phòng cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở, khuyến khích làm việc trên tinh thần “Hết việc không hết giờ” có khi cấp cây giống đến gần 12 giờ đêm. Đặc biệt, trước đó, UBND huyện đã thành lập tổ tham gia chỉ đạo trồng chè. Các thành viên được phân công phụ trách trực tiếp xuống các bản phối hợp với xã họp bản tuyên truyền, sau đó các bản đồng ý thì tiến hành đo đạc đất, tổ chức tập huấn cho Nhân dân về kỹ thuật trồng. Trên cơ sở đó, cấp phát giống, phân bón và vận động Nhân dân trồng. Nhờ đó, đến thời điểm này, huyện đã cấp xong 1.250 tấn phân bón, 3.237.600 cây chè giống, bà con trồng được 100ha.

Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ, Lản Nhì Thàng tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân trồng chè đảm bảo quy trình kỹ thuật và đạt mục tiêu, kế hoạch đã được UBND tỉnh giao. Sau 3 tháng sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tỷ lệ cây sống.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/phong-th%E1%BB%95-%C4%91%E1%BA%A9y-nhanh-ti%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BB%99-tr%E1%BB%93ng-ch%C3%A8-m%E1%BB%9Bi