Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sáng nay (27/8), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Các đồng chí: Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và các công ty, doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực về chè và chuối trên địa bàn tỉnh dự Hội nghị.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển. Trong đó, chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ; chuối đang được phát triển mở rộng tương đối tập trung để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối đang gặp khó khăn.

Toàn tỉnh có 20 công ty, doanh nghiệp và 54 cơ sở chế biến chè búp tươi; có 13 doanh nghiệp, HTX thuộc nhóm các cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa đã đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, giảm chi phí nhân công nhiên liệu. Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều hạ giá thu mua, do chiến sự tại đất nước Afghanistan, kết hợp diễn biến dịch Covid-19 phức tạp; thị trường tiêu thụ nội địa của sản phẩm chè Lai Châu còn hạn chế… Hiện nay, lượng chè tồn kho chưa tiêu thụ được khoảng 3 nghìn tấn; nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến nợ tiền chè búp tươi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con làm chè.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại Hội nghị.

Đối với chuối, hiện toàn tỉnh có 20 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã để đóng gói xuất khẩu, hiện còn 17/20 cơ sở tiếp tục duy trì, 3 cơ sở đề nghị thu hồi. Sản lượng chuối 8 tháng đầu năm ước đạt 30 nghìn tấn, mới xuất khẩu được gần 20 nghìn tấn và tiêu thụ trong nước khoảng 9 nghìn tấn; hiện còn khoảng 3 nghìn tấn chuối đến kỳ thu hoạch cần tiêu thụ. Hiện nay việc thông thương hàng hóa qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng – Việt Nam và Kim Thủy Hà – Trung Quốc chưa hoạt động trở lại ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua cửa khẩu, đặc biệt là mặt hàng quả chuối tươi.

Tại Hội nghị đã tập trung bàn, tháo gỡ khó khăn, kết nối và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè, chuối trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến cho rằng: cần thành lập Hiệp hội chè Lai Châu để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chè cùng thống nhất và tìm giải pháp xuất khẩu các sản phẩm chè ra các nước. Có chính sách cho thâm canh và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè gắn với các chứng nhận theo yêu cầu của thị trường gắn với doanh nghiệp là chủ thể trong việc chứng nhận vùng nguyên liệu; đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất đa dạng các sản phẩm chè; đầu tư nhà máy sản xuất tinh chế để bao tiêu sản phẩm chè thô cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Mong muốn có sự kết nối để tiêu thụ các sản phẩm chè cổ thụ.

Riêng đối với chuối quả hiện nay chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) – Kim Thủy Hà (Trung Quốc) chưa hoạt động trở lại.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Các đơn vị kiến nghị: UBND tỉnh, sở, ngành, huyện giúp doanh nghiệp quản lý tốt vùng nguyên liệu để tránh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cho phép; sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thu mua chè búp tươi. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX vay tiền ngân sách địa phương hoặc vốn ưu đãi khác để trả tiền thu mua nguyên liệu cho người dân và đảm bảo sản xuất kinh doanh….

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí: Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ khó khăn với các doanh nghiêp, HTX đang gặp phải. Đồng thời đề nghị, các sở, ngành, địa phương phối hợp doanh nghiệp, HTX rà soát, điều tiết, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Cần thành lập Hiệp hội nông sản nói chung và Hiệp hội chè nói riêng; các doanh nghiệp, HTX cần liên kết bà con trong trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm chuối; chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân về bối cảnh dịch bệnh hiện nay để tiếp tục liên kết…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến kiến nghị, đề xuất, thảo luận của các doanh nghiệp, HTX, cơ quan chuyên môn đối với việc tiêu thụ chè, chuối. Đồng chí cũng đề nghị: Về chè hiện nay số lượng tồn kho, sau 2/9 UBND tỉnh sẽ làm việc với Công ty Long Dương và các công ty của Hà Nội để tìm kiếm thị trường phù hợp với từng sản phẩm chè. Đối với chuối cần có hướng đi cụ thể, thống kê số tồn chưa tiêu thụ được để xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp, thành lập Hiệp hội chè thuộc Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh; thành lập Hội xuất nhập khẩu chuối. Thực hiện thâm canh chất lượng cao các vùng nguyên liệu theo chứng nhận, từng bước xâm nhập vào các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp, HTX có phương án tiêu thụ trong thị trường nội địa. Các địa phương tuyên truyền và khống chế đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ không nằm trong danh mục được sử dụng. Các sở, ngành chuyên môn và các địa phương cùng vào cuộc với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%C3%A1o-g%E1%BB%A1-kh%C3%B3-kh%C4%83n-v%C6%B0%E1%BB%9Bng-m%E1%BA%AFc-trong-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%BF-bi%E1%BA%BFn-ti%C3%AAu-th%E1%BB%A5-ch%C3%A8-chu%E1%BB%91i