Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Ưu thế vượt trội so với một số cây trồng khác, cây chè đã và đang khẳng định vị thế của mình trên đồng đất Tân Uyên. Từ trồng chè, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Người dân bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa thu hái chè búp tươi.

Người dân bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa thu hái chè búp tươi.

“Có mặt trên đồng đất Tân Uyên từ rất sớm, cách đây chừng 60 năm, nhưng cây chè chỉ thực sự phát triển và được ví như “vàng xanh” ở vùng đất này khoảng 10 năm trở lại đây. Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên. Nhờ có cây chè, người dân Tân Uyên đã có được cuộc sống sung túc như ngày hôm nay. Chưa có cây trồng nào có thể thay thế được vị trí của cây chè trong lòng người dân huyện Tân Uyên, ít nhất là tới thời điểm này" - ông Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên chia sẻ với chúng tôi.

Ngược dòng thời gian, ông Bình kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của cây chè trên đất Tân Uyên cũng như những khó khăn, vất vả khi vận động người dân trong huyện trồng chè. Những năm 60 của thế kỷ trước, cây chè bắt đầu được đưa vào trồng trên đất Tân Uyên (huyện Than Uyên cũ) bởi những cán bộ, công nhân nông trường Quân đội Than Uyên – tiền thân của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên ngày nay.

Trải qua nhiều năm, diện tích cây chè không tăng lên là mấy, bởi giá bán chè búp tươi thấp và không ổn định. Nhiều hộ trồng chè đành “ngậm ngùi” phá bỏ nương chè để trồng cây khác, vì hiệu quả kinh tế thấp. Người trồng chè những năm đó chủ yếu là dân tộc Kinh ở các tỉnh dưới xuôi lên Than Uyên (cũ) làm kinh tế mới. Đến năm 2011, diện tích chè của huyện Tân Uyên mới chỉ dừng lại ở con số hơn 1.000ha, trong đó có gần 400ha của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Đời sống người trồng chè cũng không khá giả là mấy.

Năm 2011, huyện Tân Uyên bắt tay vào thực hiện Đề án Phát triển vùng chè giai đoạn 2011 – 2014 của tỉnh Lai Châu. Thời gian đầu vận động người dân trồng chè, huyện Tân Uyên gặp không ít khó khăn, trở ngại. Người dân sợ trồng chè ra không biết bán cho ai nên chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Trước thực trạng đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên tăng cường cán bộ xuống các xã, bản tuyên truyền về chính sách hỗ trợ theo Đề án phát triển vùng chè của tỉnh, để người dân hiểu, yên tâm trồng chè.

Phần vì được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phần vì giá bán chè búp tươi đã có dấu hiệu tăng lên nên ngày càng nhiều hộ dân ở các xã, bản trong huyện đăng ký trồng chè. Phong trào trồng chè nhờ đó nhanh chóng lan rộng ra các xã, bản trong huyện. Những khu đất trống, đồi trọc trên địa bàn huyện dần được phủ kín màu xanh của cây chè.

Trước đây, trên địa bàn huyện Tân Uyên chỉ có nhà máy chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên và một vài xưởng chế biến chè mini của một số hộ dân, nên mức tiêu thụ chè búp tươi hạn chế. Khi Đề án Phát triển vùng chè của tỉnh được triển khai cũng là lúc xuất hiện một số Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, dây chuyền máy móc chế biến chè công suất lớn. Giá bán chè búp tươi trên địa bàn huyện từ đó cũng tăng lên đáng kể và ổn định hơn. Không lo lắng về đầu ra cho chè búp tươi, người dân các xã trong huyện mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chè.

“So với trồng ngô, lúa, thì trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn. Trồng 1ha chè, người dân có thể thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nếu chăm sóc tốt, thu nhập của người dân sẽ còn cao hơn. Năng suất chè búp tươi bình quân của huyện đạt 12 tấn/ha/năm. Nhiều diện tích chè trồng lâu năm, chăm sóc tốt cho thu từ 25 – 30 tấn chè búp tươi/ha/năm. Giá bán chè búp tươi trên địa bàn huyện dao động từ 5 – 7.000 đồng/kg” – ông Ngọ Doãn Bình cho biết thêm.

Chia sẻ về lợi ích mà cây chè mang lại, bà Đoàn Thị Hồng - bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa cho biết: Gia đình tôi trồng chè từ năm 1999. Những năm đầu trồng chè vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao, giá bán chè búp tươi khi đó thấp lắm, chưa cao như bây giờ. Độ 10 năm trở lại đây, giá thu mua chè búp tươi tăng lên, dao động từ 5.500 – 7.000 đồng, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng, người trồng chè trong vùng nói chung cũng khấm khá hẳn lên. Nhờ cả vào đồi chè này mà vợ chồng tôi nuôi được 5 người con ăn học. Giờ các con tôi đều có công ăn, việc làm ổn định. Mỗi năm thu trên 200 triệu đồng từ bán chè búp tươi cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn.

Hiện, toàn huyện Tân Uyên có khoảng 3.200ha chè, trong đó có hơn 2.700ha chè kinh doanh. Có 2 giống chè chủ đạo được trồng ở Tân Uyên là chè Kim tuyên và Shan tuyết. Mang lại nguồn thu nhập ổn định, cây chè nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú nhờ trồng chè.

Cây chè không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Tân Uyên thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Từ chủ trương đúng với cách làm hay của các cấp chính quyền và người nông dân, diện tích chè trên đồng đất Tân Uyên đang ngày càng được mở rộng theo hướng sản xuất hàng hóa. Tin rằng trong tương lai cây chè sẽ tiếp tục là cây chủ lực trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-ch%C3%A8-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A5t-t%C3%A2n-uy%C3%AAn