Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Ngoài làm tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), những năm qua, ngành Kiểm lâm tỉnh còn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 76 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ và ngoài gỗ được cấp phép hoạt động. Để siết chặt quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh liên quan đến lâm sản, hàng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo kiểm lâm các huyện, thành phố tăng cường bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức như: qua hệ thống loa truyền thanh không dây, đài truyền thanh ở các huyện, thành phố và lồng ghép với các buổi họp bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm đối với các cơ sở kinh doanh, thu mua, chế biến lâm sản. Cùng với đó, tổ chức đào tạo tập huấn và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng kiểm lâm nhằm nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc lâm sản. Đến nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn đều chấp hành đúng quy định của pháp luật. Các nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến hợp pháp và chủ yếu là dạng sản phẩm thô, không ngâm tẩm hóa chất độc hại, vật liệu thừa sau chế biến được tận dụng làm nhiên liệu tại chỗ, do vậy không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản tại Công ty TNHH Bảo Anh (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu).

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản tại Công ty TNHH Bảo Anh (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu).

Hoạt động từ năm 2016, Công ty TNHH Bảo Anh (Tổ dân phố số 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) đăng ký kinh doanh ngành nghề chính là nhập các loại gỗ: lim, dổi… về bán cho các xưởng mộc nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hàng năm công ty thường xuyên được cán bộ kiểm lâm thành phố, tỉnh tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản của đơn vị. Hiện nay, ngoài nhập gỗ về bán, công ty còn chế biến, sản xuất một số loại sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng như: tủ, giường, bàn ghế, lộc bình. Do đó, yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ số gỗ nhập về luôn được công ty đặt lên hàng đầu.

Anh Phùng Gia Tiện - Giám đốc Công ty TNHH Bảo Anh chia sẻ: “Hiện nay, đơn vị chủ yếu nhập gỗ của một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Mỗi lô hàng khi công ty nhập về đều có hóa đơn VAT, bản kê khối lượng, hồ sơ nguồn gốc lâm sản, hồ sơ thông quan như: tờ khai hải quan, giấy kiểm dịch thực vật… Tuyệt đối không mua, nhập gỗ không rõ nguồn gốc vừa vi phạm pháp luật lại ảnh hưởng đến uy tín của công ty”.

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số cá nhân vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp như: mua, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 500 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,8 tỷ đồng, tịch thu 178,578 m3 gỗ các loại… Tiêu biểu như vào hồi 9 giờ 45 phút ngày 19/8/2021, tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, phát hiện phía sau nhà ông Vũ Văn Ba ở bản Xóm Mới (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) tàng trữ 19 thanh, hộp gỗ xẻ pơ-mu (nhóm IIA), khối lượng 0,510 m3. Tại thời điểm kiểm tra ông Ba thừa nhận số gỗ trên là của mình và không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số gỗ trên. Ngày 25/8/2021, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối ông Ba số tiền 10 triệu đồng về hành vi tàng trữ lâm sản trái pháp luật và thu giữ toàn bộ tang vật.

Hay vào hồi 2 giờ 10 phút ngày 31/3/2021, nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân, tổ công tác Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR - Chi cục Kiểm lâm tỉnh ra hiệu lệnh dừng 1 xe ô-tô bán tải BKS: 25C-038.49 để kiểm tra trên tuyến đường quốc lộ 100 thuộc địa phận bản Co Muông (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ). Sau khi kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong thùng xe có chở 81 khúc gỗ nghiến dạng thớt (thuộc nhóm IIA), khối lượng 0,394 m3. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Phạm Anh Tuấn ở thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường) không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số lâm sản trên và thừa nhận đã mua một số người dân không rõ tên, tuổi ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ). Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 5/4/2021, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tuấn về hành vi mua lâm sản và vận chuyển lâm sản trái pháp luật với số tiền 20 triệu đồng, đồng thời, tịch thu toàn bộ số tang vật.

Đồng chí Lò Xuân Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng trong khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Để nâng cao nhận thức của người dân cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, thời gian tới chi cục tiếp tục chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền về quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp đến người dân. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm soát nguồn gốc lâm sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có hành vi mua bán, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ lâm sản trái pháp luật.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-c%C3%A1c-c%C6%A1-s%E1%BB%9F-ch%E1%BA%BF-bi%E1%BA%BFn-kinh-doanh-l%C3%A2m-s%E1%BA%A3n