Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từ năm 2019 trở về trước, tỉnh phân vùng nguyên liệu chè xã Bản Bo (huyện Tam Đường) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển (CPĐTPT) Chè Tam Đường quản lý, ký kết thu mua sản phẩm chè búp của bà con. Ngày đầu thực hiện việc giao vùng nguyên liệu, công ty thực hiện tốt việc ký kết, đầu tư, thu mua, chế biến chè cho nông dân theo hình thức: ứng trước vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và bao tiêu sản phẩm chè. Tuy nhiên, từ năm 2016-2019, tại vùng nguyên liệu chè xã Bản Bo xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, tạo nghịch lý thiếu nguyên liệu chè búp. Người trồng chè vì lợi nhuận cắt chè búp bán (không bảo đảm chất lượng), ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng chè. Một số người dân phun chất kích thích cho cây chè nhanh phát triển, thu hái bán khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè búp vượt quá ngưỡng cho phép. Sự việc trên không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người trồng chè, công ty thu mua mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu chè của địa phương.

Để vùng nguyên liệu chè phát triển, ngày 17/1/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021, ban hành kèm theo Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh. Đây là quyết định đúng đắn nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai, đầu tư phát triển, tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Theo đó, tỉnh không phân vùng nguyên liệu chè xã Bản Bo cho Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường quản lý như trước. Mục đích để người trồng chè tự lựa chọn đơn vị thu mua để ký hợp đồng mua chè búp tươi. Mặt khác, từ năm 2020 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 3 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Mạnh Quyết, Công Ty TNHH An Lộc Phát LC và Công ty Cổ phần Trà Nam Dương thu mua chè búp và tiến hành sản xuất tại xã Bản Bo. Đây là chủ trương đồng thuận với tâm tư, nguyện vọng người trồng chè mong muốn có thêm nhiều nhà máy chế biến để có thêm sức cạnh tranh, lựa chọn nơi bán chè búp thuận lợi hơn trước. Do đó, các công ty chế biến chè phải thống nhất giá, quan tâm, chăm lo cho người trồng chè để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững. Từ đó, tỉnh tái cơ cấu vùng nguyên liệu chè nhằm phá thế độc quyền trong thu mua, giúp ngành Chè phát triển.

Nhà máy chế biến chè Công ty Cổ phần Trà Nam Dương ở bản Hưng Phong, xã Bản Bo (huyện Tam Đường) mới đi vào hoạt động, bán ra thị trường hơn 100 tấn trà ô long mỗi năm.

Nhà máy chế biến chè Công ty Cổ phần Trà Nam Dương ở bản Hưng Phong, xã Bản Bo (huyện Tam Đường) mới đi vào hoạt động, bán ra thị trường hơn 100 tấn trà ô long mỗi năm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo (huyện Tam Đường) cho biết: “Hiện nay, xã có 683,4ha chè, trong đó 265,6ha chè kiến thiết cơ bản và 417,8ha chè kinh doanh. Sản lượng chè búp tươi của xã đạt 4.756 tấn/năm (tăng 300 tấn so với năm 2015). Với vùng nguyên liệu chè tiềm năng thì việc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho các đơn vị thu mua, chế biến chè tại xã là rất cần thiết. Ngay từ đầu năm, người trồng chè chủ động lựa chọn đơn vị mua bán chè với giá thành ổn định. Nhờ đó, trên địa bàn xã giảm hẳn tình trạng tranh mua, tranh bán, người dân nâng cao thu nhập từ sản phẩm chè búp”.

Dừng chân trước đồi chè kim tuyên xanh mơn mởn của gia đình anh Giàng A Páo B ở bản Nậm Phát, chúng tôi cảm nhận được đây là vùng nguyên liệu khá bảo đảm. Năm 2014, anh Páo B chuyển đổi 7.000m2 đất 1 vụ ngô sang trồng chè. Ngay khi cây chè cho thu hoạch búp, anh ký kết việc bán chè cho Công ty CPĐTPT Chè Tam Đường. Nhiều năm qua, anh mong muốn có thêm công ty chế biến chè để gia đình lựa chọn nơi bán chè. Điều mong ước của anh được thực hiện khi đầu năm 2021, gia đình đã ký kết bán chè búp cho Công ty Cổ phần Trà Nam Dương. Hiện nay, gia đình anh thu hái và đã bán 17 tấn chè búp, trị giá 130 triệu đồng. Anh Páo B tâm sự: “Tôi thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán chè búp với Công ty Cổ phần Trà Nam Dương, trong đó, thống nhất nội dung vay phân bón trả chậm và cam kết bán chè cho công ty. Ngoài việc ký kết thu mua 8 nghìn đồng/kg chè búp, tôi được công ty hỗ trợ 100% thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hái chè bảo đảm chất lượng”.

Nhờ chủ trương, chính sách mới của tỉnh, giờ đây, người trồng chè xã Bản Bo nói riêng, tỉnh ta nói chung chủ động chọn nơi bán chè búp không bị công ty ép giá, nợ tiền như trước. Để cạnh tranh lành mạnh, các công ty chú trọng giữ chữ “tín” phối hợp với người trồng chè xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-th%C3%AAm-l%E1%BB%B1a-ch%E1%BB%8Dn-n%C6%A1i-b%C3%A1n-ch%C3%A8-b%C3%BAp