Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Xác định năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và kéo dài đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện bình thường mới, huyện Than Uyên đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp vừa thực hiện phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Huyện triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; nhất là hoạt động 4 chốt trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người ra, người vào, tiến hành thống kê toàn bộ số người của huyện ở ngoài địa bàn đang đi lao động để nắm tình hình tuyên truyền trên tinh thần người dân ở đâu ở nguyên đó không về địa bàn. Qua đó, tạo cho huyện an toàn trong phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tuyên truyền, vận động người dân vừa phòng chống dịch vừa phát triển nông nghiệp. Đến nay, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện cơ bản được đảm bảo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với việc hoàn thành kế hoạch trồng hơn 200ha chè, 100ha quế; đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn. Thường xuyên nắm, trao đổi với chủ đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép”.

Người dân bản Chít (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) chăm sóc rừng quế.

Người dân bản Chít (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) chăm sóc rừng quế.

Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại để đảm bảo tính thống nhất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết như: tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác phí. Đồng thời quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định.

Huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt cuối năm 2021 đạt 31.700 tấn, chăm sóc, khai thác hiệu quả 1.015ha cao su. Vận động Nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cỏ, dự trữ thức ăn; tận dụng lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong toàn huyện vào cuộc cùng thực hiện nâng cao chất lượng và hoàn thành từng tiêu chí. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cho các địa phương, trong đó có xã Pha Mu. Đặc biệt, thời điểm này, cán bộ, Nhân dân xã Pha Mu đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Ông Vũ Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Pha Mu chia sẻ: “Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của UBND huyện, xã xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện đưa vào chương trình công tác của xã để thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện kế hoạch đề ra; tổ chức giao ban hàng tháng nhằm đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. Đến nay, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã cơ bản hoàn thành”.

Ngoài ra, huyện đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Tăng cường công tác gặp gỡ, đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư. Huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; thường xuyên báo cáo tiến độ để huyện có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công. Thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công của nhà thầu và yêu cầu tập trung nhân lực, máy móc thực hiện gắn với việc nghiệm thu, quyết toán các công trình hoàn thành.

“Huyện triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ cho Nhân dân sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội, nhân rộng các mô hình sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa” - ông Lò Văn Hương cho biết thêm.

Với các giải pháp linh hoạt cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Than Uyên sẽ thành công; góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy kinh tế của địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF-g%E1%BA%AFn-v%E1%BB%9Bi-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-covid-19