Nhiều nội dung quan trọng trong kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hôm nay (15/7), Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu kỳ họp kéo dài 4 ngày, nhằm đề ra chiến lược về tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ đầy những quan ngại về an ninh quốc gia và bị Mỹ hạn chế tiếp cận công nghệ cao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CPPCC)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CPPCC)

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 20 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, sáng 15/7. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Bộ Chính trị trình bày báo cáo công tác và dự thảo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục cải cách sâu rộng, toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc, hãng thông tấn Xinhua đưa tin.

Dù hội nghị như vậy thường tập trung vào những vấn đề dài hạn, nhưng các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ xem có biện pháp tức thì nào được đưa ra hay không, để cứu vãn đà suy giảm của thị trường bất động sản và sự hồi phục chậm trong giai đoạn hậu COVID-19.

“Còn nhiều điều chưa rõ ràng trong định hướng chính sách ở Trung Quốc. Đây là thời điểm Trung Quốc cần chìa lá bài của mình”, Bert Hofman, cựu giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc, và là giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét.

Theo số liệu được công bố ngày 15/7, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng 4,7% trong quý 2 năm nay.

Kết quả kỳ họp sẽ gửi tín hiệu đến các quan chức chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư về phương hướng chính sách của Trung Quốc cho tương lai. Hội nghị sẽ xác nhận lộ trình mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra, nhưng một số ý kiến vẫn hy vọng sẽ có một số điều chỉnh để xử lý những quan ngại về sự gia tăng kiểm soát của chính quyền đối với doanh nghiệp và xã hội, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 trong nhiệm kỳ 5 năm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thường là dịp đưa ra những quyết định quan trọng, có tác động đáng kể đối với nền kinh tế.

Năm 1978, hội nghị toàn thể lần thứ 3 đã thông qua chính sách “cải cách và mở cửa” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế định hướng thị trường, tạo nên sự chuyển biến lớn cho nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ sau đó.

Hội nghị tương tự vào năm 1993 thông qua định hướng “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, mang lại những kết quả thành công của phe cải cách.

Năm 2013, hội nghị lần thứ 3 thông qua chính sách xác định thị trường là lực lượng mang tính quyết định để phân bổ nguồn lực.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định Đảng đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực đưa Trung Quốc lên mức phát triển cao hơn. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng với dân số 1,4 tỷ dân, nước này vẫn được xếp là quốc gia thu nhập trung bình.

Chính phủ Trung Quốc gần đây kiểm soát chặt chẽ hơn các tập đoàn công nghệ cao, trong đó có Alibaba, một tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử và công nghệ tài chính.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng gay gắt, ông Tập thúc giục các công ty và trường đại học Trung Quốc phát triển thiết bị bán dẫn hiện đại và những công nghệ khác mà Washington hạn chế bán.

Những người ủng hộ thị trường tự do lo ngại về cách tiếp cận không khuyến khích tinh thần doanh nghiệp. Một nỗi lo khác là vấn đề an ninh quốc gia ngày càng được đề cao, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Trung Quốc gần đây điều tra một số công ty chuyển dữ liệu kinh tế ra nước ngoài.

Nhiều chính quyền địa phương cũng đang phải gánh khoản nợ khổng lồ. Tháng 2 năm ngoái, chính quyền thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, tạm dừng các tuyến xe buýt vì thiếu ngân sách.

Alexander Davey, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức, cho biết ông đang theo dõi cách Chính phủ Trung Quốc cân bằng hai yếu tố: Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

Các nhà đầu tư theo dõi xem chính phủ có bước đi nào để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân hay không, sau giai đoạn tăng cường kiểm soát nền kinh tế.

Một mảng quan trọng là thị trường bất động sản. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc thông báo các biện pháp báo hiệu thay đổi về chính sách, cho phép chính quyền địa phương trực tiếp mua lại các dự án nhà ế ẩm.

Tú Linh

Theo Xinhua, Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-noi-dung-quan-trong-trong-ky-hop-cua-dang-cong-san-trung-quoc-post1655117.tpo