Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Là xã biên giới khó khăn nhất của huyện Mường Tè, trình độ dân trí thấp nhưng với quyết tâm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã Tá Bạ đang từng bước thay đổi, cuộc sống Nhân dân được nâng lên.

Xã Tá Bạ giờ khác xưa, đó là những hình ảnh chúng tôi cảm nhận khi vượt gần 70km từ trung tâm huyện lên đây. Con đường nội bản, nội đồng được đổ bêtông sạch đẹp, nhà khang trang, con trẻ cắp sách tới trường trong ngôi trường mới, nơi sản xuất mở rộng với nhiều mô hình kinh tế giá trị. Cuộc sống vươn lên, người dân tự lực tự cường, không còn bóng dáng của thói ỷ lại, trông chờ vào các nguồn hỗ trợ.

Khi mới chia tách và thành lập xã vào năm 2012, muôn vàn khó khăn, thách thức mà cán bộ, công chức xã phải đối mặt. Trình độ dân trí thấp, địa hình chia cắt, hủ tục, tệ nạn nghiện hút, rượu chè bê tha triền miên, trong khi đó, ruồng đồng bỏ hoang, thói ỷ lại, trông chờ vào các nguồn hỗ trợ hằn sâu vào tâm trí, khiến cuộc sống khó càng khó hơn. Lúc mới thành lập, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 100%, thu nhập bình quân không quá 5 triệu đồng/người/năm.

Để tháo gỡ khó khăn, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân, trước tiên phải nắm bắt được tình hình thực tế cuộc sống ở các bản. Nói là làm, cán bộ xã ngày đêm xuyên rừng, băng núi, đi bộ hàng chục cây số đến từng bản gặp dân, trò chuyện, tâm sự để hiểu về những khó khăn, vướng mắc mà bà con gặp phải, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo rồi tìm biện pháp, cách khắc phục sao cho hiệu quả. Với lý lẽ thuyết phục, các anh khuyên nhủ dân bản xóa bỏ hủ tục, tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống. Hướng dẫn cách lao động, sản xuất, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, máy móc, vận động người dân an cư lập nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao dân trí.

Người dân xã Tá Bạ chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Người dân xã Tá Bạ chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Suy nghĩ thay đổi tác động mạnh mẽ đến đôi chân, bàn tay, 397 hộ ở 6 bản của xã biến khó khăn thành thuận lợi, cải tạo đất hoang, cằn cỗi thành đồng ruộng, nương ngô, bãi chăn thả. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khoa học kỹ thuật được áp dụng, máy móc thay sức người tạo ra của cải vật chất. Với diện tích gieo trồng đạt 215ha, các loại nông sản như: thóc, ngô, rau màu các loại được gieo trồng với năng suất từ 29 đến 40 tạ/ha, riêng rau màu đạt 62 tạ/ha, đảm bảo an ninh lương thực. Các bản quy hoạch bãi chăn thả, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xóa bỏ tập tục thả rông, làm chuồng trại nuôi nhốt, tích cực phòng chống dịch bệnh, tăng số lượng đàn vật nuôi. Ngoài ra, phát triển cây dược liệu, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Ông Lò Phì Po (bản Vạ Pù) chia sẻ: Nhờ có lời động viên của cán bộ xã, nhận thức của dân bản thay đổi hoàn toàn. Bà con tập trung xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống. Năng suất lương thực có hạt tăng lên, đàn vật nuôi cải thiện về số lượng, thu nhập nâng lên, nhiều hộ thoát đói nghèo. Riêng tôi tập trung vào phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Xã khuyến khích người dân phát triển thương mại-dịch vụ, phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức quảng bá sản phẩm nông sản trên địa bàn ra ngoài thị trường, tạo sức hút, tăng nguồn thu. Mở các lớp dạy nghề, có nhiều hình thức giúp đỡ hội viên thoát nghèo... Do đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 79,34% (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm 2021.

Anh Lỳ Xú Che – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao cuộc sống người dân, không chỉ nỗ lực trong công tác tuyên truyền mà xã còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đưa thêm nhiều giống mới; nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Từng bước đưa Tá Bạ thoát khỏi xã nghèo.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C3%A2ng-cao-m%E1%BB%A9c-s%E1%BB%91ng-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-v%C3%B9ng-bi%C3%AAn