Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trên đường đưa chúng tôi tới thăm một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, anh Lò Văn Lâm - Bí thư Chi bộ bản Nà Phát (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) chia sẻ: Bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đổi mới tư duy và cách thức chăn nuôi, trồng trọt. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, vận động gia đình, người thân nuôi nhốt gia súc, gia cầm.
"Mưa dầm, thấm lâu”, người dân tích cực tham gia đổ bêtông đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường nơi ở và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Ðến nay, bản không còn hộ thả rông gia súc, gia cầm; vệ sinh môi trường nông thôn được đảm bảo. 100% đường giao thông nông thôn được đổ bêtông sạch, đẹp.
Anh Lâm cho biết thêm: “Để nâng cao thu nhập cho người dân, chi bộ phân công đảng viên hướng dẫn bà con chuyển đổi việc chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang nuôi, trồng theo hướng hàng hóa. Hiện nay, bà con gieo cấy 100% giống lúa séng cù, tám thơm, năng suất, chất lượng cao thay cho giống lúa địa phương trước đây. Người dân chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang nuôi cá thương phẩm. Ngoài nuôi nhốt gia súc, nhiều gia đình còn đầu tư nuôi từ 200-500 con gà, vịt/lứa. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm”.
Bản Nà Phát có 62 hộ, 567 nhân khẩu. 100% hộ dân nơi đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Thành công lớn nhất của bản là phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong Nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Bản tuyên truyền, vận động bà con đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đúng lịch thời vụ; mạnh dạn đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Đến nay, bản có hơn 20 mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Sinh ra và gắn bó với bản Nà Phát, trước đây gia đình chị Hà Thị Thao chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, đời sống sinh hoạt khó khăn. Vợ chồng chị “đầu tắt, mặt tối” lo từng bữa ăn cho gia đình. Những năm gần đây, chị ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất 2 vụ lúa chất lượng cao và 3 vụ ngô lai trên cùng một diện tích đất. Ngoài gieo cấy ngô, lúa đúng lịch thời vụ, chị tận dụng phân chuồng bón cho ngô, lúa; mỗi năm, thu trên 3 tấn thóc và 8 tấn ngô hạt. Toàn bộ sản phẩm ngô để nấu rượu và làm thức ăn chăn nuôi. Năm 2020, thu lãi trên 100 triệu đồng từ tiền bán gia súc, gia cầm. Chị Thao cho biết: “Nhờ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tôi có tiền xây nhà ở khang trang, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh; có điều kiện tham gia các hoạt động ở địa phương”.
Đối với chị Lò Thị Hoa, năm qua, gia đình lao đao với dịch tả lợn Châu Phi khi phải tiêu hủy hàng tấn lợn nái và lợn thịt. Không nản, chị chuyển sang nuôi nhốt trâu, gia cầm thịt. Mỗi lứa, nuôi hơn 100 con gà, giúp gia đình chị nâng cao thu nhập. Hay như anh Lò Văn Sợi tận dụng diện tích ao nuôi thả hơn 300 con vịt/lứa. Mô hình nuôi vịt của gia đình anh đem lại hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, từ đầu năm đến nay, anh thu lãi trên 80 triệu đồng tiền bán thóc, vịt. Kinh tế gia đình khá, anh hỗ trợ bản trên 5 triệu đồng đổ bêtông đường giao thông nông thôn; trồng hoa, cây xanh ở khu dân cư. Theo anh Sợi thì Nà Phát hôm nay đang trên đà khởi sắc. Đến nay, bản không còn hộ sống trong những căn nhà tạm, tranh tre, nứa lá.
Nà Phát hôm nay đang phát triển, 5 năm liên tục giữ vững danh hiệu bản sáng, xanh, sạch, đẹp.
Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C3%A0-ph%C3%A1t-h%C3%B4m-nay