Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, hiện có hơn 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Trang trại dâu tây công nghệ cao tại Lâm Đồng thuộc Công ty TNHH Sinh học sạch Biofresh - doanh nghiệp của vợ chồng Việt kiều Pháp Nghiêm Văn Minh và Nguyễn Thị Bích Thủy. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Trang trại dâu tây công nghệ cao tại Lâm Đồng thuộc Công ty TNHH Sinh học sạch Biofresh - doanh nghiệp của vợ chồng Việt kiều Pháp Nghiêm Văn Minh và Nguyễn Thị Bích Thủy. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Hiến kế

Mới đây, tại Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, đã có những ý kiến đóng góp quan trọng từ bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc ở các quốc gia trên thế giới quan tâm sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

Là Việt kiều ở Israel, trong thời gian qua đã có đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh Tây Nguyên, bà Hồng Shurany đưa ra một số kiến nghị để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam cất cánh, như: cơ cấu lại nội bộ từng ngành sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách rà soát những chính sách bất hợp lý làm cản trở việc sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nông sản; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa...

Chia sẻ về những thách thức trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC - Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị: "Các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, cần phải tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định… bởi đây là thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn dành cho sản phẩm nhập khẩu".

Còn ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam đưa ra kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam theo đường chính ngạch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam để người sở tại biết về nông sản Việt Nam, nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của từng thị trường. Đồng thời, các cơ quan Việt Nam cũng cần thúc đẩy việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt; giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt, tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Cần có sự chung tay, góp sức

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: "Thời gian qua đã có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế".

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Thế giới cần những gì, như thế nào, những con người của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới, bởi những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn của những nước sở tại… Tư lệnh ngành nông nghiệp mong muốn bà con kiều bào đã, đang và sẽ tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới... Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm… Để đạt được các mục tiêu trên, cần có sự chung tay, góp sức của bà con kiều bào trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, lượng kiều hối đưa về nước hằng năm rất lớn. Nếu tìm cách khơi dậy được dòng vốn này, cộng với trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản trị và mạng lưới tiếp thị của cộng đồng kiều bào trên thế giới, sẽ tạo ra động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước, không thua kém nhiều so với khu vực FDI.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/kh%C6%A1i-d%E1%BA%ADy-ngu%E1%BB%93n-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%83-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-th%E1%BA%BF-m%E1%BA%A1nh-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p