Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

3 năm - hành trình không quá dài nhưng đủ để Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (hay còn gọi là Chương trình OCOP) tạo dấu ấn, sức bật đối với nông nghiệp, nông thôn của huyện Tam Đường.

OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đặc biệt, đây là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Với một huyện có ngành Nông nghiệp là chủ lực như Tam Đường, đây có thể coi là “luồng gió mới” huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng tại các địa phương. Từ đó, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và giúp diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, đến nay sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (xã Bình Lư) đã xuất bán đi tất cả các tỉnh trong nước. Hợp tác xã cũng đang hoàn tất thủ tục để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra nước ngoài. Phấn đấu nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao trong năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu duy trì hiệu quả mối liên kết giữa các thành viên và người dân, đảm bảo quyền lợi tốt nhất về thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, nâng cao chất lượng thương hiểu sản phẩm từ khâu trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, chế biến.

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu đợt 2 năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, huyện Tam Đường có 4 sản phẩm tham dự đánh giá, phân hạng và cả 4 sản phẩm đều đạt OCOP 3 sao. Trong đó, sản phẩm chẳm chéo Lực Lệ của Cơ sở sản xuất Lực Lệ tại bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường được đánh giá cao bởi mẫu mã đẹp cũng như chất lượng thành phẩm. Điểm đặc biệt, 3 loại: chẳm chéo thường, chẳm chéo đặc biệt và chẳm chéo ướt đều được kết hợp từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau có sẵn trong tự nhiên như: ớt, mắc khén, lá chanh, hạt dổi… mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, Giáy ở vùng Tây Bắc.

Người dân xã Bình Lư, huyện Tam Đường làm miến dong.

Người dân xã Bình Lư, huyện Tam Đường làm miến dong.

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, Cơ sở sản xuất đã chú trọng đa dạng hình thức quảng bá; hoàn thiện hơn về nhãn mác. Ngoài các sản phẩm đã có thương hiệu còn chế biến theo nhu cầu, khẩu vị của người dân từng vùng, miền. Nhờ đó, số lượng hàng xuất bán tăng nhanh. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Cơ sở xuất bán khoảng 30.000 lọ chẳm chéo các loại, trong đó có 1 lô hàng sang thị trường Châu Âu.

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm đạt 3 sao. Gồm: cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn (xã Sơn Bình); mật ong hoa tự nhiên Tam Đường của Hợp tác xã Ong Vàng (xã Bản Hon); Trà cổ thụ Pu Ta Leng thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường; sản phẩm chẳm chéo, chuối, chanh leo, mây che đan, miến dong…

Đạt những kết quả như vậy, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của chương trình, đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn, các chủ thể chuẩn bị sản phẩm, hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận. Thông qua đó, các sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, mức tiêu thụ tăng từ 10 - 20%, giá trị thương mại từng bước nâng lên. Đây là cơ sở quan trọng để Tam Đường phấn đấu trong năm 2022, nâng hạng một số sản phẩm cũng như có thêm 5 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận.

Chị Mùng Thị Lệ, Quản lý cơ sở sản xuất Lực Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) giới thiệu sản phẩm chẳm chéo.

Chị Mùng Thị Lệ, Quản lý cơ sở sản xuất Lực Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) giới thiệu sản phẩm chẳm chéo.

Một tín hiệu vui đó là đầu tháng 6 vừa qua, Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tam Đường tổ chức buổi đánh giá các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đó, có 4 sản phẩm là: Hồng trà; Trà sữa Olong xanh; Trà sữa Matra và Trà sữa Olong Hồng trà của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường đăng ký tại Hội đồng cấp huyện. Kết quả, 4 sản phẩm đều được Hội đồng đánh giá đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, đủ điều kiện trình lên Hội đồng tỉnh đánh giá, phân hạng trong năm nay.

Có thể khẳng định, sản phẩm OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của huyện Tam Đường cũng như trong toàn tỉnh. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp được nâng cao, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền, quảng bá về Chương trình đang được huyện Tam Đường tiếp tục đẩy mạnh. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, tiến xa hơn nữa là xuất khẩu.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%E1%BB%97i-x%C3%A3-m%E1%BB%99t-s%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A9m-n%C3%A2ng-t%E1%BA%A7m-th%C6%B0%C6%A1ng-hi%E1%BB%87u-s%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A9m-%C4%91%E1%BB%8Ba-ph%C6%B0%C6%A1ng