Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Than Uyên sở hữu một trong những cánh đồng lớn nhất khu vực Tây Bắc, bà con nơi đây có trình độ thâm canh cao và nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực. Những ngày này, cơ quan chuyên môn của huyện đang phối hợp với các địa phương cùng bà con chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại, quyết tâm gặt hái thêm vụ lúa mùa bội thu.

Vụ mùa năm nay, toàn huyện Than Uyên xuống giống hơn 2,8 nghìn héc ta, đạt 101,8% kế hoạch. Cơ cấu giống có sự chuyển dịch tích cực, lúa lai chiếm 14,6% diện tích, chủ yếu là các giống nhị ưu 838, nghi hương 2308, việt lai 20. Cùng với đó, là các giống lúa thuần diện tích hơn 2,4 nghìn héc ta chủ yếu là các giống séng cù, J02, Vass 16, đài thơm 8, bắc thơm 7 và một số giống lúa nếp được trồng rải rác tại các địa phương.

Tại các xã Mường Kim và Mường Than đã trồng khảo nghiệm một số giống lúa cho năng suất và chất lượng cao, khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt: VNR 20, nếp ngọc lam, BC 15, TBR 97… với tổng diện tích hơn 5ha. Tới thời điểm hiện tại, lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trà sớm lúa đã làm đòng; trà chính vụ, trà muộn đang ở cuối giai đoạn đẻ nhánh.

Từ đầu vụ tới nay, cơ bản thời tiết thuận lợi, mưa thuận, gió hòa không ảnh hưởng nhiều tới canh tác của bà con. Các địa phương đã huy động nguồn lực tại chỗ sửa chữa, khơi thông, bảo trì hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo nước canh tác lúa vụ mùa và các giống cây trồng khác. Các tổ, đội thủy nông cũng duy trì việc tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường đối với hệ thống thủy lợi.

Duy trì phong trào “sạch bản, tốt ruộng”, một số địa phương: Mường Kim, Phúc Than, Mường Cang, Hua Nà, thị trấn đã tăng cường lượng phân chuồng, phân xanh bón lót cho ruộng trong quá trình làm đất từ những ngày đầu vụ. Thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, bà con nông dân tiến hành bón phân đảm bảo đúng liều lượng.

Cán bộ xã Hua Nà cùng bà con thăm đồng kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh hại lúa.

Cán bộ xã Hua Nà cùng bà con thăm đồng kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh hại lúa.

Không chỉ thực hiện tốt làm đất, xuống giống đúng thời vụ, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tích cực, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chú trọng công tác thủy lợi, sử dụng phân bón phù hợp, đảm bảo nước tưới tiêu, để tiếp tục gặt hái thêm vụ lúa mùa thắng lợi, phòng trừ sâu bệnh hại được chú trọng.

Theo ông Đỗ Ngọc Tú – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, chúng tôi được biết, điều tra, giám sát dịch hại trên cây trồng được thực hiện định kỳ theo tuần, nhằm nắm bắt kịp thời sự sinh trưởng phát triển của dịch hại trên các loại cây trồng để dự báo và tham mưu, chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, tới thời điểm này, lúa vụ mùa huyện Than Uyên chưa xuất hiện dịch lớn, rải rác một số vùng bị ảnh hưởng sâu bệnh hại với diện tích nhỏ và đã được xử lý kịp thời.

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, toàn huyện đã có hơn 43ha lúa mùa bị nhiễm sâu bệnh. Trong đó, nhiễm nặng hơn 41ha, nhiễm trung bình 2,1ha và nhiễm nhẹ 0,2ha. Chủ yếu là các bệnh rầy lưng trắng tại các xã Hua Nà, Mường Than, Nà Cang. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tại Phúc Than. Bệnh đạo ôn lá tại xã Mường Than, Mường Cang, Phúc Than, Hua Nà, Mường Kim, thị trấn và bệnh vàng lá sinh lý hại cục bộ ở Mường Than, Mường Cang. Ngoài ra, còn sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn ruồi đục nõn, sâu đục thân, châu chấu, khô vằn phát sinh gây hại với mật độ và tỷ lệ bị hại thấp. So với vụ mùa những năm trước đây, tình hình sâu bệnh hại lúa mùa giảm thiểu rõ rệt.

“Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, sâu bệnh hại được phát hiện và xử lý kịp thời, không để bùng phát thành dịch, ảnh hưởng tới mùa vụ. Các địa phương duy trì thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại lúa và chủ động các giải pháp đảm bảo nước tưới tiêu, huyện Than Uyên đang nỗ lực cho một vụ lúa mùa thắng lợi.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/than-uy%C3%AAn-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-cho-v%E1%BB%A5-l%C3%BAa-m%C3%B9a-b%E1%BB%99i-thu