Kinh tế tư nhân cần bình đẳng để phát triển
Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn cảm thấy mình đang chơi trên một sân đấu không công bằng.
Tại sao doanh nghiệp trong nước vẫn “lép vế” trước các doanh nghiệp FDI? Vì sao một số doanh nghiệp lại dễ dàng tiếp cận nguồn lực, còn số khác thì chật vật? Làm thế nào để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển đất nước?
Hiện tại, số doanh nghiệp tư nhân trên cả nước là 940.000, có hơn 30.000 hợp tác xã và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% GDP, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước cho rằng, họ chưa được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận các nguồn lực, hưởng các chính sách ưu đãi về thuế phí.
Ông Nguyễn Doãn Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ABT Homes, chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp FDI được trải thảm đỏ, miễn thuế gần như zero (số không), vậy tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại không được bình đẳng như vậy?”.
Các chuyên gia cũng cho biết, đọc trên tất cả văn bản pháp luật thì gần như không thấy phân biệt đối xử ở đâu, nhưng trên thực thi thì lại rất phổ biến. Ví dụ như khi xây khu công nghiệp, cơ chế ưu đãi lại chủ yếu dành cho doanh nghiệp nước ngoài, FDI. Ngay cả việc tháo gỡ vướng mắc cụ thể cũng vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay: “Nếu một việc gì đó của doanh nghiệp tư nhân chúng ta phản ánh lên thì qua nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều thời gian; nhưng nếu là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì nhiều khi cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết. Ví dụ như chúng tôi đi một địa phương, họ nói rằng chỉ cần một bao ni lông rác bay vào trong cây trụ sở, thì cả hệ thống đến hỏi xem là cái rác này nó ở đâu đến”.
Không chỉ có bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, tình trạng bất bình đẳng còn tồn tại cả ở giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết: “Những doanh nghiệp có thể đâu đó có quan hệ dễ dàng trong việc xin cấp giấy phép, trong khi điều kiện cấp phép là rất chặt chẽ. Khi họ có giấy phép, đó lại chính là công cụ để bảo hộ cho họ trong việc cản trở những người có ý tưởng, những người có sáng kiến, những người có mong muốn không gia nhập được thị trường và như vậy, họ không cần phải nghĩ sâu vì họ đã có một thị trường rồi”.
Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong sự phát triển của đất nước. Nhưng nếu vẫn còn những rào cản vô hình, vẫn còn tình trạng “người được trải thảm, kẻ bị rào cản” thì động lực này sẽ khó mà bứt phá. Muốn kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, minh bạch, khuyến khích sáng tạo. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tận dụng tối đa sức mạnh của hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân và hàng triệu hộ kinh doanh để đưa nền kinh tế Việt Nam vươn xa.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/kinh-te-tu-nhan-can-binh-dang-de-phat-trien-318445.htm